Hana

Tháp nghiêng Pisa: Từ sai lầm thiết kế trở thành kỳ quan nhân loại

Đăng 4 năm trước
Tháp nghiêng Pisa: Từ sai lầm thiết kế trở thành kỳ quan nhân loại

Các kiến trúc sư ban đầu không hề có ý định tạo ra một tòa tháp nghiêng lạ lùng như vậy. Họ chỉ muốn xây dựng một tháp chuông bình thường, nhưng không thể ngờ rằng "tác phẩm" của mình sẽ trở thành tâm điểm để cả thế giới trầm trồ thán phục.

Tháp nghiêng Pisa luôn được coi là một trong những kỳ quan của thời Trung cổ và là điểm thu hút khách du lịch khắp thế giới cho đến tận ngày nay. Hình dáng độc đáo của nó luôn kích thích trí tò mò của bất kỳ ai từng được chiêm ngưỡng. 

Phải chăng "cái sự nghiêng" kia ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa nào đó?

Các kiến trúc sư của tháp nghiêng Pisa đã gửi gắm thông điệp gì mà chúng ta không biết chăng?

Hoàn toàn không! Sự thật là các kiến trúc sư ban đầu không hề có ý định tạo ra một tòa tháp nghiêng lạ lùng như vậy. Họ chỉ muốn xây dựng một tháp chuông bình thường, nhưng không thể ngờ rằng "tác phẩm" của mình sẽ trở thành tâm điểm để cả thế giới trầm trồ thán phục.

Vậy hình ảnh tòa tháp nghiêng nổi tiếng là từ đâu mà ra?

Tháp nghiêng Pisa bắt đầu được khởi công xây dựng vào ngày 9 tháng Tám năm 1173. Trong suốt 5 năm sau đó nó vẫn đứng thẳng như bình thường cho đến khi tầng thứ ba được hoàn tất vào năm 1178, đó là thời điểm cả tòa tháp đồ sộ bắt đầu nghiêng đi.

Vấn đề nằm ở phần nền móng. Một công trình to lớn và nặng nề như vậy sẽ cần có chân đế thật vững chắc, trong khi phần móng của tháp Pisa chỉ sâu có 3 mét và tệ hơn nữa là lại được đặt trên nền đất sét đặc vốn không có khả năng gánh trên mình trọng lượng khổng lồ đến thế.

Tháp nghiêng Pisa có lẽ là công trình gắn liền với nhiều bức ảnh "ảo" nhất hiện nay, như bức này chẳng hạn!

Sau khi phát hiện sự "xiêu vẹo" đáng lo ngại của tòa tháp, các nhà chức trách đã đình chỉ việc thi công trong 100 năm để chờ nền đất bên dưới ổn định hơn. Đồng thời trong giai đoạn này cũng diễn ra cuộc chiến giữa vùng Pisa với Genoa, càng khiến cho ngọn tháp đang xây dựng dang dở ít được chú ý hơn.

Năm 1272 quá trình thi công tháp Pisa được khôi phục lại và có thêm 4 tầng nữa được xây chồng lên phần tháp cũ. Mặc dù các tầng mới này được cố ý thiết kế với một bên cao hơn bên kia nhằm bù trừ lại cho độ nghiêng của tháp, nhưng rốt cuộc sự chỉnh sửa đó lại làm tình hình càng thêm xấu đi.

Quá trình xây dựng lại một lần nữa bị đình chỉ vào năm 1284 do trận chiến Meloria. Sau đó tầng thứ 7 của tháp Pisa được hoàn thành vào năm 1319, và đến năm 1372 một phòng chứa chuông được xây thêm cùng với một lối đi được tạo ra gần phần nền tháp khiến độ nghiêng lại tăng lên hơn nữa.

Tầng trên cùng có chứa các quả chuông của tháp nghiêng Pisa

Một điều may mắn cho bản thân tòa tháp và những người yêu mến vẻ đẹp độc đáo của nó là tháp nghiêng Pisa vẫn đứng vững trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai. Khi quân Mỹ tràn vào Italy, các binh lính được lệnh phải phá hủy tất cả các công trình có khả năng hỗ trợ cho các tay súng bắn tỉa của quân Đức cản bước tiến của quân Đồng minh.

Tuy nhiên các vị tướng đã quyết định chừa lại ngọn tháp kỳ lạ này, và thế là tháp nghiêng Pisa vẫn bình an vô sự không mảy may sứt mẻ.

Vào năm 1964 chính quyền Italy đã kêu gọi sự hỗ trợ nhằm ngăn ngọn tháp đổ sụp, nhưng vẫn phải giữ được độ nghiêng trứ danh đã làm nên thương hiệu cho cả đất nước. Biện pháp tạm thời là gắn thêm phần đối trọng nặng đến 800 tấn để giữ cho tòa tháp được cân bằng.

Sau đó vào năm 1990 công trình này bị đóng cửa, các quả chuông bị tháo dỡ và cả tòa tháp được gia cố để "neo" thật chặt vào nền đất bên dưới.

Sơ đồ thể hiện cách khắc phục độ nghiêng của tháp Pisa bằng các tấm kim loại nặng làm đối trọng

Được mở cửa trở lại đón khách tham quan vào năm 2001, hiện nay tháp Pisa đang nghiêng 3,99 độ và vẫn sừng sững như một biểu tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc của nhân loại.

Chủ đề chính: #tháp_nghiêng_pisa

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn