Nguyễn My

Thật thà và trung thực

Đăng 3 năm trước
Thật thà và trung thực

Từ đồng nghĩa của thật thà là trung thực, thế nhưng về ý nghĩa thật sự của nó, hai từ lại rất khác nhau - nhất là về khái niệm.

Hãy tưởng tượng, bạn vừa nhận giúp một người làm việc này, nhưng bất ngờ sau đó lại có một việc quan trọng hơn việc này nhiều; hiện nay đối với việc mà người đó đã nhờ bạn làm, bạn chưa làm được gì cả, và bạn sợ, nếu phải ôm đồm cả hai việc, bạn sẽ khó mà đạt được hiệu quả cao trong cùng một lúc. Vì vậy, bạn buộc phải từ chối, nhưng... từ chối ra sao?

Sẽ có hai trường hợp:

"Bạn ơi cho mình thôi khỏi giúp bạn nữa nha. Tại mình bận nhiều việc quá, mà việc này lại quan trọng hơn việc của bạn nhờ nhiều, sợ lại làm dở hết việc bạn ra thì khốn. Mình chưa làm gì cả đâu, đi nhờ người khác đi làm giúp đi bạn nhé!" (1)

"Bạn ơi! Mình nghĩ bây mình chưa có đủ thời gian để có thể đảm nhận công việc này, vậy nên nếu được, rất mong bạn có thể nhờ đến người khác. Thành thật xin lỗi vì đã nhận giúp mà lại phải dừng giữa chừng khi chưa làm gì cả" (2)

Theo bạn, lời nói nào sẽ là dễ nghe nhất?

Nếu bạn nói như lời thứ (1), chắc chắn thứ bạn nhận được sẽ là một lời nói khó nghe từ phía đối diện. Vì tất nhiên rồi, công việc quan trọng của bạn sẽ chẳng bao giờ là quan trọng đối với họ, thậm chí, còn chưa bị nói sau lưng về cái tính cách mà họ tưởng là "chảnh", "tự cao" và "vô trách nhiệm" của bạn hay ăn cái bạt tai đã là may. (kể cả cho dù không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian của người khác)

Còn nếu bạn nói như lời thứ (2), chắc chắn thứ bạn nhận được sẽ là sự đồng ý/thông cảm từ phía đối diện. Bởi nếu bạn không đủ thời gian, họ cũng sẽ không ép buộc bạn phải làm cho tới cùng. Nếu cùng lắm, chỉ là vài lời nhắc nhở suông chứ nếu bạn đã nói khiến cho họ phải êm tai và đồng ý với bạn, quả thật bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì cả (miễn là không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian của người khác)

Nhưng cho dù cả hai lời nói (1) và (2) có bên hơn bên kém đến mấy, thì chúng sẽ luôn có một điểm chung: đó là luôn nói "sự thật" - cái mà ở đây bạn có thể tự cho là sự thật hoặc về căn bản đó là sự thật.

Thật thà và trung thực cũng vậy. Nhưng nếu để so ra, thật thà và trung thực sẽ rất khác nhau - nhất là về khái niệm:

- Thật thà chính là có gì nói nấy, bảo gì làm nấy, luôn thật thà trong mọi lời nói, hành động và việc làm của mình.

- Trung thực là có uy tín trong lời nói, hành động và việc làm của mình.

Với người thật thà, khi hỏi gì, họ cũng sẽ nói nấy, nói hết tuồn tuột ra. Gặp điều gì, họ cũng sẽ đều tự bộc lộ hết cảm xúc cá nhân của mình ra; việc làm cũng vậy, bảo họ làm gì, họ sẽ làm y như vậy.

Còn với người trung thực, khi hỏi gì, họ sẽ nói, nhưng trong phạm vi người khác cần tìm hiểu về mình. Gặp điều gì, họ cũng sẽ quan sát theo thái độ và phản ứng của người khác, rồi mới biểu hiện cảm xúc cá nhân của mình; việc làm cũng vậy, bảo họ làm, họ sẽ phải suy nghĩ về việc đó, và họ sẽ chỉ làm nếu nó phù hợp với khả năng/lợi ích của họ.

“Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình” - Samuel Johnson.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn, trung thực sẽ mang tính khái quát và bao trùm trong cả thật thà, vì thật thà phải đi kèm với uy tín mới gọi là trung thực, còn nếu thật thà chỉ đi đơn trong suy nghĩ và hành động thì đó sẽ không phải là trung thực. Hay nói cách khác, trong thật thà tự nó có chứa sự vô minh.

Với người trung thực, họ nghĩ rồi nói, với người thật thà, họ nói rồi nghĩ. Quả thật vậy, nếu có người nói: "tính tôi thật thà, thẳng như ruột ngựa, có sao nói vậy, đừng để bụng quá nhiều". Vậy là họ đang tự cho rằng thật thà, thẳng thắn mới là tốt trong khi cái thật thà thẳng thắn đó chẳng khác gì như đang coi thường và khinh rẻ những người có đức tính trung thực, bởi người thật thà thì sẽ chỉ nói những gì mình biết mà không quan tâm đến hoàn cảnh, cảm xúc của người đang nói chuyện với mình, hay thậm chí họ còn chưa xác minh được các thông tin mà mình đã nói có đúng hay chưa, họ cũng sẽ nói toẹt ra (vì họ tự nghĩ đó là đúng) và tự cho rằng đó gọi là thật thà, thẳng thắn. Còn người trung thực thì khác, khi biết được một tin hay tiếp nhận một thông tin nào đó, trước tiên họ sẽ phải xác thực thông tin, kiểm chứng tính chính xác của thông tin và luôn luôn biết lựa lời để nói cho hợp hoàn cảnh và cảm xúc của người đang nói chuyện với mình.

Nếu chúng ta chỉ luôn tự cho rằng một điều là đúng và luôn tin nó là thật mà nó lại không hề đúng với những gì mình nghĩ, chúng không hề đạt được đến cái mà ta tin thì ta sẽ bị lầm đường lạc lối trong cái sai lầm đó, sẽ bị u mê, lừa mị trong cái dối trá đó mà không cách nào thoát ra được.

Còn nếu chúng ta biết kiểm chứng lại tính hợp pháp và những điều vô lý mà chúng ta đang tin vào, luôn nhìn mọi thứ từ phía đa chiều, đa góc nhìn, chúng ta sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về điều mà chúng ta tin và sẽ đi xa hơn trong lợi ích mà cái niềm tin đó sẽ đem lại cho mình.

Trong xã hội hiện nay, sẽ không khó để nhận thấy nhiều người đang nhầm lẫn giữa thật thà và trung thực. Những người thật thà thì sẽ luôn làm mọi việc, mọi lời nói mà tự cho là đúng, là chính nghĩa mà không cần kiểm chứng lại tính đúng đắn của nó, thật là nhan nhản ngoài đường.

Còn những người trung thực thì rất ít, thường là chiếm thiểu số trong số đông. Bởi họ có tư duy suy nghĩ, phân tích và lập luận, họ sẽ luôn tìm hiểu tính chính xác về mọi thứ và không dễ dàng tin vào những gì người khác nói.

Giáo dục - một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước hiện nay ở Việt Nam cũng đang giáo dục học sinh trở thành những con người thật thà chứ không phải trung thực. Khi giáo dục về thật thà, có sao nghĩ vậy, những em học sinh sẽ chỉ nghĩ theo cách mà người khác hiểu và tin vào những gì mà người khác thấy. Còn trung thực thì khác, khi có tính trung thực, có thể những em học sinh sẽ có kĩ năng tư duy và biện luận cho tính chính xác vào cái mà mình đang tin vào, tức là những em học sinh ấy có chính kiến của mình và sẽ không dễ dàng bị khuất phục bởi người khác/quan điểm khác...

Adolf Hitler nói bạn hãy giết chết người Do Thái đi vì chúng là quỷ, bạn sẽ phải giết họ sao?

Bác Hồ đã từng dạy: "Khiên tốn, thật thà, dũng cảm", chúng ta cần phải xem xét lại về điều này.

Nguyễn My

Chủ đề chính: #câu_chuyện

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn