NHQ

Trái ngọt Việt Nam nức tiếng từ trang sử tới hiện tại

Đăng 3 năm trước
Trái ngọt Việt Nam nức tiếng từ trang sử tới hiện tại

Người Việt Nam biết nâng niu, trân trọng từng trái cây tươi mà họ trồng được. Câu chuyện bắt nguồn từ Mai An Tiêm, có thể coi là ông tổ của của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam, đã nghiệm ứng cho một thiên đường quả ngọt nhiều triển vọng.

Trong lịch sử bị cai trị bởi phong kiến phương Bắc, hoa thơm trái ngọt Việt Nam đã trở thành vật cống nộp bắt buộc. Một tài liệu chép rằng, vua Đường mải say đắm Dương Quý Phi, mà đến nỗi nàng chuộng vải An Nam nên đã bắt nước ta cứ đến mùa lại phải bồng vải sang cống nộp. Chuyện khác kể, bọn quan lại đô hộ rất thích ăn hoa quả ngon của người Việt. Vải tươi là một trong những thứ mà bọn vua chúa, quý tộc nhà Đường rất ham mê. Hằng năm, cứ đến mùa vải chín, hàng loạt thanh niên trai tráng bị bắt gánh vải và chuyền nhau từ An Nam sang tận kinh đô Tràng An cách xa hàng vạn dặm. Trong số đó có chàng trai Mai Thúc Loan có sức khỏe và khôn khéo, trong một lần làm phu gánh vải đi cống cho Triều Đường, đã tiêu diệt lũ quan lại, mở hết vải cho mọi người ăn, rồi ai nấy về quê chuẩn bị khởi nghĩa.

Vải Việt Nam

Xứ bắc kỳ còn có đặc sản hảo hạng là nhãn lồng Hưng Yên. Tương truyền xưa kia có vị quan đi tuần vào đúng mùa nhãn chín. Ngài ăn thử thì thấy bị mê hoặc, liền đề xuất đem tiến vua. Từ đó hàng năm, nhân dân lại đem nhãn dâng vua, nhãn lồng vì vậy còn có tên gọi khác là nhãn tiến vua. Sản vật quý còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt được giới thiệu trên đất nước Nhật Bản với số lượng lớn vào thế kỷ XVI – XVII. Nhãn được trồng rộng rãi ở cả hai miền nam, bắc. Nhưng nhãn Phố Hiến mới được coi là vua của loài nhãn, mà theo bác học Lê Quý Đôn: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Nhãn Việt Nam

Chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) nổi tiếng nhờ sự bẽn lẽn của một đôi vợ chồng nghèo không có gì ngoài buồng chuối chín vàng tươi dâng vua với tấm lòng chân thành và cung kính. Nhà vua, khi nhìn thấy buồng chuối nhỏ, quả căng tròn, bóng mịn, vàng óng, cuống xanh, đầu có ba chiếc tua cong đẹp mắt lạ thường, đã liền gọi vợ chồng người nông dân, rồi thưởng thức, thấy không chỉ đẹp hình thức, trái chuối còn có vị ngọt, thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua không ngớt khen ngơi, ban thưởng cho đôi vợ chồng dâng chuối và truyền lệnh cho dân Đại Hoàng trồng nhiều chuối để thần dân khắp nơi cùng được thưởng thức. Chuối ngự, là một trái cây may mắn và vinh dự rất lớn trong rừng trái cây Việt Nam khi được trực tiếp tiến vua và được vua trực tiếp khen ngợi và truyền lệnh nhân rộng.

Chuối ngự Đại Hoàng

Trái bưởi ở Việt Nam như được hội tụ nhiều tinh túy trời đất. Nước ta có nhiều vị bưởi ngon nức tiếng. Bưởi Diễn có da vàng tươi rói, tép bưởi se khít, hạt nhỏ li ti, nhiều nước mà ráo múi, vị ngọt thanh đạm tan trong miệng, chỉ muốn ăn tiếp không dừng. Còn bưởi năm roi của vùng Hậu Giang, Vĩnh Long không chỉ khan hàng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán ở thị trường nội địa, mà còn được có mặt ở nhiều nước . Giống bưởi độc nhất vô nhị trên thế giới này được ưa chuộng bởi nước da vàng ngả xanh mướt mà múi bưởi thì vàng nhạt, vị ngon ngọt có pha vị chua dịu đặc biệt thơm ngon, mọng nước.

Bưởi Việt Nam

Việt Nam có quyền tự hào vì là “thổ địa” của xoài, phân bố rộng khắp và rải đều trên mọi nẻo quê hương. Có đa dạng các chủng loại xoài: xoài Cát, xoài Gòn, xoài Thanh ca, xoài tượng, xoài xiêm, xoài cóc,.. Mỗi loại xoài đều có hương vị riêng và ngon miệng. Nức tiếng nhất là xoài Bến Cát (gọi là xoài Cát), có hương vị đặc biệt thơm và ngọt đậm đà. Hình thức quả xoài Cát rất bắt mắt, vàng ươm, no trò, to có khi tới nửa ký, thịt nạc như miếng giò lụa. Khi được xuất khẩu, xoài Việt Nam rất được công dân nước bạn yêu thích, đặc biệt là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.

Xoài Việt Nam

Nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu là thanh long, đến 40%. Thanh long được trồng chủ yếu ở khu vực miền nam, loại phổ biến có ruột màu trắng, hạt như vừng đen. Hiện đã có giống thanh long ruột đỏ giá thành đắt gấp đôi thanh long ruột trắng, cũng đẹp mắt hơn và bổ dưỡng hơn. Quả thanh long khi đến Ấn Độ thậm chí còn được dùng là món tráng miệng yêu thích trong các khách sạn cao cấp do dáng vẻ khá hiếu kỳ và nhanh chóng được ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu tại nước này. Trái thanh long còn rậm rịch xuất hiện ở nhiều thị trường như Trung Đông, Úc, Mỹ,…

Thanh Long Việt Nam

Trồng hoa quả ở Việt Nam, từ thời theo tích Mai An Tiêm và trong quá trình phát triển của lịch sử, là một quá trình trải nghiệm nhiều mồ hôi nước mắt, để có được thành quả trái ngon đặc sản mà chúng ta được thưởng thức như ngày hôm nay. Nơi đất đai có thể khô cằn, có khí hậu khắc nghiệt, sinh trưởng trên địa hình trắc trở, nhưng chỉ có mảnh đất ấy, mà không phải là một nơi màu mỡ, mát mẻ, mới là tầng thổ nhưỡng diệu kỳ để có trái thơm ăn một lần rồi nhớ mãi.

Những con đường hoa quả của Việt Nam cũng rất đặc sắc. Miền Bắc có mơ Hương Sơn (Hà Nội), đào Sa Pa, táo Mèo Sơn La, cam sành Hà Giang, cam sành Tuyên Quang, lê Đông Khê (Cao Bằng), na (mãng cầu) Chi Lăng, đào Mẫu Sơn (Lạng Sơn), vải Thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), nhãn lồng Hưng Yên, ổi Bo Thái Bình, chuối Ngự Hà Nam, cam Canh Hà Nội, dứa Đồng Dao (Ninh Bình), cam xã Đoài (Nghệ An), cam Bù và bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Miền Trung có bưởi Thanh Trà (Huế), xoài tượng Bình Định, sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa), nho Ninh Thuận, Thanh long Bình Thuận, bơ sáp Đắk Lắk, dâu tây, hồng Đà Lạt. Miền Nam na Bà Đen (Tây Ninh), măng cụt Lái Thiêu (Bình Dương), bưởi Biên Hòa, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai), nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu, mãng cầu Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), dứa Bến Lức (Long An), cam mật (Cần Thơ), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), dừa sáo Cầu Kè (Trà Vinh), xoài cát Hóa Lộc, nhãn tiêu da bò, thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), măng cụt Chợ Lách (Bến Tre).

Khí hậu nhiệt đới, đất đai trù phú, người nông dân chăm chỉ chịu thương chịu khó, Việt Nam mở cửa hội nhập bằng việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại, công nghệ trồng trái cây ngày càng được cải thiện, hiện đại hóa chính là những nền tảng ngàn vàng cho trái cây Việt Nam ngày một đi xa hơn.

Mặc dù còn tồn tại rất nhiều bất cập trong trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến, khung pháp lý hỗ trợ người nông dân, xúc tiến thương mại,… nhưng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu trái cây Việt Nam đã chứng thực cho một chất lượng đảm bảo được trân trọng giữ gìn của cả một dân tộc.

50 đặc sản trái cây của Việt Nam

Chủ đề chính: #hoa_quả_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn