Tuân theo 5 triết lý sống - Scandinavia là bán đảo hạnh phúc nhất thế giới
Đăng 5 năm trướcNhững triết lý này là tinh thần lâu đời và hiển hiện trong mọi ngõ ngách cuộc sống của người dân Bắc Âu.
Theo báo cáo Hạnh phúc Toàn cầu của Liên Hợp Quốc năm 2018, các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển đều năm trong top 10. Vậy đâu là bí quyết cốt lõi giúp người dân ở khu vực này trở thành những công dân hạnh phúc và biết tận hưởng cuộc sống khiến cả thế giới ngưỡng mộ?
Theo báo cáo Hạnh phúc Toàn cầu, Phần Lan xếp vị trí thứ nhất, Na Uy xếp thứ 2, Đan Mạch xếp thứ 3, Iceland xếp thứ 4, Thụy Điển xếp thứ 9 (ảnh: scandikitchen).
1. Hygge
Hygge có nghĩa là cảm thấy ấm cúng và thư thái trong tâm hồn. Đây cũng là phong cách sống đặc trưng của người Đan Mạch nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung.
Khi nào bạn cảm thấy “hygge”? Đó là khi bạn ôm ghì người yêu vào lòng trong cái chăn to sụ rồi cùng nhâm nhi tách ca cao bên lò sưởi.
Đó là khi bạn có thể thoải mái làm chuyện “tội lỗi” với bản thân như... ăn uống thả phanh và chẳng cần mệt óc tính toán calo. Hay đơn giản là bạn không phải ở chốn đông người và mặc kệ thế giới đáng sợ ngoài kia, chỉ có bạn một mình một cõi yên tĩnh đọc cuốn sách yêu thích.
Ở một mình cũng là một cách để nạp lại năng lượng, tìm lại sự cân bằng và thanh thản trong tâm hồn (ảnh: mentalfloss).
2. Lagom
Lagom là một nét đặc trưng của người Thụy Điển, hiểu nôm na nghĩa là vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít.Tinh thần lagom hiện diện ở mọi mặt cuộc sống của người Thụy Điển như nấu nướng và mua sắm vừa đủ, giá cả không quá đắt cũng không quá rẻ, kiến trúc tối giản và thoáng đãng.
Thậm chí tính cách của người Thụy Điển cũng thể hiện lagom qua việc nói ngắn gọn và biết cách kiểm soát cảm xúc.Lagom dạy người Thụy Điển cách sống cân bằng, vừa phải, không để bản thân cuốn đi theo dòng xoáy cuộc đời. Khi bạn hiểu được tinh thần lagom, bạn sẽ biết thế nào là vừa đủ, thế nào là thỏa mãn, chỉ khi đó nội tâm bạn sẽ bình yên hơn và luôn hướng đến trạng thái hài hòa tự nhiên.
3. Fika
Một lối sống khác của con cháu người Viking là fika. Fika là từ đảo ngược âm tiết của “kaffe”, trong tiếng Thụy Điển nghĩa là “coffee” – cà phê.
Fika của người Thụy Điển chính là giờ nghỉ giải lao để uống cà phê, nhưng đó không phải là kiểu uống vội vàng, gấp rút với những cốc cà phê "take away".Fika là khoảng thời gian thư thái, thảnh thơi trong ngày. Đó là lúc bạn tạm thời dẹp cơn stress và núi việc qua một bên để thong thả thưởng thức cà phê cùng bánh ngọt.
Fika là một nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày của người dân xứ này. Ở chốn công sở, mọi người sẽ tạm gác công việc để thư giãn bên tách cà phê và trò chuyện hỏi thăm đồng nghiệp. “Fika nhé!” cũng là một lời mời quen thuộc giữa bạn bè và những đôi yêu nhau.Tuy fika chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng rất đáng để tận hưởng.
4. Sisu
Sisu là một triết lý sống của người Phần Lan. Nếu những triết lý sống trên hướng đến việc cân bằng thời gian để tận hưởng cuộc sống thì sisu ngược lại. Ý nghĩa của từ này là luôn giữ vững ý chí, quyết tâm, kiên trì khi đối mặt với nghịch cảnh.
Sisu không chỉ sự dũng cảm trong một khoảnh khắc, đó là sự dũng cảm và mạnh mẽ theo đuổi tới cùng. Ngoài ra, yếu tố làm nên tinh thần sisu còn là đứng dậy sau vấp ngã và đủ can đảm thừa nhận sai lầm, dám làm lại từ đầu.
5. Lykke
Triết lý sống cuối cùng của người dân xứ Scandinavia là lykke. Trong tiếng Đan Mạch, lykke nghĩa là hạnh phúc.Vậy như thế nào mới là hạnh phúc?
Trong cuốn sách The Little Book of Lykke (Cuốn sách nhỏ về Lykke), tác giả Meik Wiking chia hạnh phúc thành 6 nhóm: gắn kết, tiền bạc, sức khỏe, tự do, niềm tin và tử tế.
Ăn tối với gia đình trong ánh nến và tiếng nhạc nhẹ nhàng, đó là sự gắn kết. Trả tiền cho những món đồ có giá trị tối thiểu trong vài tháng cũng sẽ khiến bạn vui vẻ hơn là chỉ nhắm mắt quẹt thẻ.Hoặc đơn giản hơn, lykke là khi bạn sống như người Thụy Điển, biết thế nào là vừa đủ, hoặc luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách, dũng cảm xây dựng lại từ đầu sau đống đổ nát như người Phần Lan.
Ngày hôm nay, bạn chọn lối sống nào để thấy mình hạnh phúc hơn?
Nguồn bài: Curiosity