Ung thư là gì? Tất tần tận những điều bạn cần biết về ung thư
Đăng 4 năm trước01.Ung thư là gì?
Ung thư là tên gọi được đặt chung cho một tập hợp các bệnh mà trong đó một số tế bào bất thường phân chia một cách mất kiểm soát và chèn lấn các tế bào bình thường, thậm chí lây lan sang các mô khác trong cơ thể.
Ung thư có thể xuất hiện gần như ở bất cứ nơi nào trong cơ thể con người, bao gồm ung thư phổi, ung thư máu, ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư dạ dày… và hơn 200 loại ung thư khác.
02.Ung thư được hình thành như thế nào?
Thông thường, các tế bào của chúng ta phát triển và phân chia để hình thành các tế bào mới khi cơ thể cần chúng. Khi các tế bào già đi hoặc trở nên hư hỏng, chúng sẽ chết đi. Lúc này, các tế bào mới được tạo ra sẽ thay thế và đảm nhiệm vai trò của chúng.
Tuy nhiên, nếu ung thư xảy ra, quá trình phân chia có trật tự của tế bào sẽ bị phá vỡ. Các tế bào trở nên ngày càng bất thường. Các tế bào già và hư hỏng vẫn tồn tại trong khi đáng lẽ ra chúng đã phải chết. Các tế bào mới thì lại được sinh ra một cách vô tội vạ thông qua quá trình phân chia liên tục không kiểm soát. Từ đó hình thành nên các khối u. Các khối u có thể lành tính cũng có thể ác tính.
03.Vậy, khối u lành tính và khối u ác tính khác nhau ra sao?
Một khối u ác tính có nghĩa là khối u đó có thể lây lan và xâm nhập vào các mô lân cận. Các khối u ác tính phát triển rất nhanh. Khi bị loại bỏ, các khối u ác tính thường có thể phát triển trở lại. Trong một số trường hợp, khối u ác tính có thể vỡ ra và đi đến những nơi xa xôi trong cơ thể thông qua máu và hệ bạch huyết, từ đó hình thành các khối u mới nằm cách xa khối u ban đầu, đó chính là hiện tượng di căn.
Các khối u lành tính, ngược lại, không lây lan và xâm nhập vào các mô lân cận. Chúng phát triển chậm hơn các khối u ác tính. Các khối u lành tính đôi khi cũng khá lớn, tuy nhiên khi bị loại bỏ, chúng thường không phát triển trở lại.
Không giống như hầu hết các khối u lành tính ở những nơi khác trong cơ thể, khối u não lành tính có thể đe dọa tính mạng.
04.Các tế bào ung thư có gì khác với các tế bào bình thường?
Các tế bào ung thư ít chuyên biệt hơn so với các tế bào bình thường. Trong khi các tế bào bình thường phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau để đảm nhiệm các chức năng cụ thể, các tế bào ung thư thì không.
Các tế bào bình thường phân chia một cách có kiểm soát. Các tế bào ung thư phân chia một cách vô tội vạ.
Các tế bào bình thường khi già sẽ chết đi tuân theo một quá trình gọi là apoptosis. Các tế bào ung thư không tuân theo quá trình này.
Tế bào ung thư có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường ở gần đó để hình thành các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng các khối u.
Tế bào ung thư có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong điều kiện bình thường, hệ thống miễn dịch có thể loại bỏ các tế bào hư hỏng hoặc bất thường, tuy nhiên một số tế bào ung thư có thể “ẩn mình” khỏi hệ thống miễn dịch.
Các tế bào ung thư có sự biến đổi lớn về nhân tế bào so với các tế bào bình thường. Nhân của tế bào ung thư thường lớn, đa dạng, nhiều thùy, thậm chí có những nhân khổng lồ, phân chia mạnh gọi là nhân quái, nhân chia.
05.Nguyên nhân của bệnh ung thư là gì?
Trước tiên chúng ta có thể khẳng định: ung thư là một bệnh liên quan đến gene. Ung thư được gây ra bởi sự thay đổi của các gene kiểm soát chức năng của các tế bào, đặc biệt là quá trình phát triển và phân chia.
Những thay đổi di truyền làm tăng nguy cơ của ung thư có thể được thừa hưởng từ cha mẹ. Thống kê cho thấy, khoảng 5% các ca ung thư vú có liên quan đến di truyền.
Các đột biến gene gây ung thư cũng có thể mắc phải trong suốt cuộc đời của một người. Đó là các lỗi DNA xảy ra khi tế bào phân chia hoặc do tiếp xúc với hóa chất, tia cực tím, bức xạ, khói thuốc lá, gốc tự do… Đa số (hơn 90%) các ca ung thư đều thuộc về loại nguyên nhân này.
Không phải chỉ các loại hóa chất, bức xạ ngoại lai mới là tác nhân gây ung thư. Các hormone trong cơ thể con người cũng có khả năng gây ung thư, đặc biệt là các hormone tác động đến quá trình sinh trưởng của tế bào, ví dụ như hormone IGFs (insulin-like growth factors) có vai trò hỗ trợ tăng sinh tế bào và ngăn chặn quá trình apoptosis.
06.Cơ chế bệnh sinh của ung thư?
Những thay đổi di truyền góp phần gây ra ung thư có xu hướng ảnh hưởng đến 3 loại gene chính bao gồm: tiền gene sinh ung (proto-oncogenes), gene ức chế khối u (tumor suppressor genes) và gene sửa chữa DNA (DNA repair genes).
Tiến gene sinh ung có liên quan đến sự tăng trưởng và phân chia bình thường của tế bào. Tuy nhiên, khi những gene này bị thay đổi theo một số cách nhất định hoặc hoạt động nhiền hơn so với mức bình thường, chúng có thể trở thành các gene gây ung thư (oncogenes).
Gene ức chế khối u cũng tham gia vào việc kiểm soát sự tăng trưởng và phân chia tế bào. Các tế bào với sự thay đổi nhất định trong các gene ức chế khối u có thể phân chia một cách không kiểm soát được.
Gene sửa chữa DNA có liên quan đến quá trình sửa chữa DNA bị hư hỏng. Các tế bào bị đột biến ở các gene này có xu hướng phát triển đột biến thêm ở các gene khác. Cùng với nhau, những đột biến này có thể khiến cho các tế bào phát triển thành ung thư.
07.Ung thư lớn lên như thế nào?
Ban đầu, các tế bào ung thư nằm trong các mô cơ thể mà chúng phát triển, ví dụ lớp niêm mạc bàng quan hoặc ống dẫn ở vú. Lúc này ung thư được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
Các tế bào ung thư tiếp tục phát triển và phân chia để tạo ra nhiều tế bào hơn và cuối cùng sẽ hình thành khối u. Một khối u có thể chứa hàng triệu tế bào. Tất cả các mô trong cơ thể có một lớp giữ các tế bào của các mô bên trong được gọi là màng đáy. Một khi các tế bào ung thư phá vỡ màng đáy, nó được gọi là ung thư xâm lấn.
08.Nguồn cung cấp máu của ung thư?
Khi khối u phát triển ngày càng lớn, trung tâm của nó ngày càng nằm xa các mạch máu hơn. Vì vậy trung tâm của các khối u nhận được ngày càng ít oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tồn tại.
Cũng giống như các tế bào khỏe mạnh, các tế bào ung thư không thể sống mà không có oxy và các chất dinh dưỡng. Vì vậy, chúng gửi ra các tín hiệu gọi là “yếu tố tạo mạch” nhằm khuyến khích các mạch máu mới phát triển vào sâu bên trong khối u.
Khi một bệnh ung thư có thể kích thích sự phát triển mạch máu, nó có thể phát triển lớn hơn và nhanh hơn. Nó sẽ kích thích sự tăng trưởng của hàng trăm mao mạch mới từ các mạch máu gần đó để mang lại cho nó chất dinh dưỡng và oxy.
Rất nhiều nghiên cứu về ung thư hiện nay tập trung vào các mạch máu. Những loại thuốc làm ngừng sự phát triển mạch máu (thuốc chống tạo mạch) có thể ngăn chặn ung thư phát triển ra các mô xung quanh hoặc lan rộng. Chúng thường không chữa khỏi ung thư hoàn toàn, nhưng có thể thu nhỏ nó hoặc ngăn chặn nó phát triển trong một số trường hợp. Một số thuốc chống tạo mạch có thể kiểm soát một số loại ung thư.
09.Ung thư di căn là gì?
Một bênh ung thư lan rộng từ nơi nó khởi nguồn đến một nơi khác trong cơ thể thông qua máu và hệ bạch huyết gọi là ung thư di căn. Quá trình mà các tế bào ung thư lan ra phần khác của cơ thể gọi là di căn.
Ung thư di căn có cùng tên gọi cũng như cùng một loại tế bào ung thư so với bản gốc. Ví dụ, ung thư vú lây lan đến phổi và tạo thành một khối u trong phổi thì đó là ung thư vú di căn, không phải là ung thư phổi.
Một bệnh ung thư chỉ có thể phát triển ra ngoài theo một hướng ngẫu nhiên từ các nơi mà nó bắt đầu. Tuy nhiên, các khối u có thể lây lan sang một số mô dễ dàng hơn so với những mô khác. Ví dụ, các mạch máu lớn có vách rất dày và các mô dày đặc như sụn rất khó cho các khối u phát triển. Điều này có nghĩa rằng ung thư sẽ lây lan theo những con đường dễ dàng nhất.
Các khối u di căn có thể gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng đến cơ thể. Hầu hết những bệnh nhân chết vì ung thư đều chết vì ung thư di căn. Điều trị có thể giúp kéo dài cuộc sống của những người mắc bệnh ung thư di căn. Nhìn chung, mục tiêu chính của các phương pháp điều trị ung thư di căn là kiểm soát sự phát triển của ung thư và các triệu chứng gây nên từ nó.
10.Cụ thể quá trình ung thư di căn qua đường lưu thông máu?
Tế bào ung thư di căn sẽ trôi theo dòng máu cho tới khi nó mắc kẹt ở đâu đó. Thông thường, nó sẽ bị mắc kẹt trong một mạch máu rất nhỏ gọi là mao mạch.
Sau đó, tế bào ung thư phải di chuyển qua vách của mao mạch để xâm nhập vào mô của các cơ quan gần đó. Sau khi xâm nhập, nó có thể bắt đầu nhân lên để tạo thành một khối u mới nếu điều kiện về dinh dưỡng cho phép.
Đây là một hành trình rất phức tạp vào hầu hết các tế bào ung thư không thể sống sót đến đích. Trong hàng ngàn các tế bào ung thư lây lan qua đường lưu thông máu, có lẽ chỉ có một vài tế bào ung thư thành công phát triển thành ung thư di căn.
11.Các giai đoạn của ung thư?
Giai đoạn 0: Ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này có một nhóm các tế bào bất thường ở một khu vực trong cơ thể. Các tế bào này có thể phát triển thành ung thư trong tương lai, cũng có thể không phát triển thành ung thư. Những thay đổi trong các tế bào được gọi là chứng loạn sản. Số lượng các tế bào bất thường là quá nhỏ để tạo thành một khối u. Một số bác sĩ và các nhà nghiên cứu gọi những thay đổi tế bào này là “thay đổi tiền ung thư” hoặc “ung thư không xâm lấn”. Tuy nhiên, nhiều khu vực của ung thư biểu mô tại chỗ sẽ không bao giờ phát triển thành ung thư. Vì vậy, một số bác sĩ cảm thấy rằng những thuật ngữ này không chính xác và họ không sử dụng chúng.
Giai đoạn 1: Giai đoạn này khối u tương đối nhỏ và nằm trong cơ quan ban đầu mà nó phát triển.
Giai đoạn 2: Khôi u lớn hơn giai đoạn 1 nhưng thường thì các tế bào ung thư vẫn chưa bắt đầu lan tràn vào các mô xung quanh. Đôi khi ở giai đoạn 2, các tế bào ung thư đã lan đến một số hạch bạch huyết gần khối u. Điều này tùy thuộc vào từng loại u thư cụ thể.
Giai đoạn 3: Ung thư đã phát triển lớn và lây lan sang các mô xung quanh cũng như hạch bạch huyết trong khu vực.
Giai đoạn 4: Ung thư đã lan tới một bộ phận cơ thể khác. Lúc này có thể gọi đó là ung thư thứ phát hoặc ung thư di căn.
12.Các bác sĩ chẩn đoán ung thư như thế nào?
Tùy vào mỗi loại ung thư sẽ có quy trình chẩn đoán khác nhau, tuy nhiên về cơ bản các bác sĩ sẽ sử dụng kiểm tra hình ảnh và các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư:
Kiểm tra hình ảnh bao gồm:
- Chụp X-quang.
- Scan CT.
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Siêu âm.
Các xét nghiệm sau đây cũng có thể được thực hiện để xác nhận hoặc loại trừ ung thư:
- Xét nghiệm CBC (công thức máu toàn bộ) và các xét nghiệm máu khác.
- Thử nghiệm EBV.
- Sinh thiết: một mẩu nhỏ của mô được cắt ra và gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Nếu các tế bào ung thư được phát hiện, chúng sẽ được tiến hành xác định loại và mức độ của ung thư.
Ngoài kiểm tra hình ảnh và xét nghiệm, các bác sĩ cũng có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng của từng bệnh ung thư để chẩn đoán. Ví dụ triệu chứng của ung thư vú có thể bao gồm sự thay đổi kích thước hoặc hình dạng của một hoặc cả hai núm vú, trong khi triệu chứng của ung thư vòm họng có thể bao gồm thở khò khè, khó nuốt, sưng hạch bạch huyết ở cổ, đau họng, đau tai, giảm cân…
13.Điều trị ung thư như thế nào?
Trước khi tiến hành điều trị, các bác sĩ sẽ cân nhắc một số yếu tố sau:
-Loại ung thư.
-Giai đoạn phát triển của ung thư, kích thước các khối u, nó đã lan rộng hay chưa và đã lan bao xa.
-Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
-Tuổi của bệnh nhân.
Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
-Phẫu thuật: Nếu một khối u là nhỏ, bác sĩ có thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Phẫu thuật sẽ được tiến hành ở bệnh viện trong tình trạng bệnh nhân được gây mê. Phẫu thuật có thể khó khăn nếu vị trị của khối u nằm gần hộp sọ. Không phải tất cả các dạng ung thư đều cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét các vị trí và giai đoạn của khối u cũng như tình trạng sức khỏe bệnh nhân khi thảo luận về các lựa chọn điều trị.
-Xạ trị: Sau khi loại bỏ các khối u, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị. Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư ác tính. Nó sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ tế bào ung thư còn lưu lại bởi các khối u. Một loại xạ trị là IMRT có thể chiếu bức xạ liều cao đến các khối u trong khi giảm thiệt hại đến các mô lân cận. Nó gây ra ít tác dụng phụ và biến chứng hơn các phương pháp xạ trị thông thường.
- Hóa trị: Trong trường hợp khối u lớn và các khối u đã lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác hoặc mô, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị hoặc hóa trị. Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt và làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư ác tính. Nếu khối u lớn, hóa trị có thể được tiến hành trước khi phẫu thuật. Mục đích là để thu nhỏ các khối u, làm cho quá trình gỡ bỏ nó dễ dàng hơn. Điều này được gọi là hóa trị tân bổ trợ. Hóa trị cũng có thể được dùng nếu ung thư đã di căn - lan ra các phần khác của cơ thể. Hóa trị cũng rất hữu ích trong việc giảm một số triệu chứng gây ra bởi ung thư.
Tác dụng phụ của hóa trị có thể bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau miệng, rụng tóc. Đa số các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát bởi các thuốc mà các bác sĩ kê toa. Phụ nữ trên 40 có thể vào thời kỳ mãn kinh sớm.
14.Tại sao đôi khi bệnh ung thư quay trở lại sau khi đã trị khỏi hoàn toàn?
Ung thư có thể trở lại một khoảng thời gian sau khi điều trị. Đây là một sự thật đáng sợ. Có một số lý do vì sao ung thư quay trở lại.
Lý do có thể là điều trị ban đầu đã không thể tiêu diệt hết các tế bào ung thư và những tế bào còn sót lại tiếp tục phát triển thành một khối u mới.
Lý do thứ hai là một số tế bào ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Sau đó chúng phát triển thành ung thư di căn.
Lý do thứ ba là ung thư có thể trở nên đề kháng với điều trị. Ung thư phát triển từ tế bào bình thường với sự biến đổi gene khiến chúng hành xử khác với các tế bào bình thường. Các tế bào ung thư vẫn có thể tiếp tục biến đổi và trở nên ngày càng bất thường hơn. Đôi khi những đột biến này làm cho các tế bào kháng lại các loại thuốc ung thư như hóa trị liệu, liệu pháp sinh học, liệu pháp hormone. Nếu điều này xảy ra, các bác sĩ có thể thay thế các loại thuộc điều trị. Nhưng thật không may, đôi khi các tế bào ung thư có thể đề kháng nhiều loại thuốc cùng một lúc, hiện tượng này gọi là ung thư đa kháng thuốc.
15.Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư:
Rượu: Mặc dù rượu vang đỏ được cho là có tác dụng ngăn ngừa ưng thu, tuy nhiên không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy chứng minh điều này. Ngược lại, rượu chính là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh ung thư. Tiêu thụ rượu nhiều hoặc thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang miệng (không bao gồm môi), hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, vú, ruột kết, và trực tràng. Nguy cơ phát triển ung thư tăng lên cùng với số lượng rượu một người uống.
Thịt cháy: Một số hóa chất, gọi là HCAs và PAHs , được hình thành khi cơ thịt, bao gồm thịt bò, thịt lợn, cá, gia cầm, được nấu bằng phương pháp nhiệt độ cao. Tiếp xúc với nồng độ cao của HCAs và PAHs có thể gây ra ung thư ở động vật.
Các loại thịt chế biến: ví dụ xúc xích, lạp xưởng… làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
16.Các loại thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa ung thư:
Các loại rau họ cải: Rau họ cải có chứa chất glucosinolate, có thể phân giải thành nhiều hợp chất có tác dụng chống ung thư.
Tỏi: Một số nghiên cứu cho thấy ăn tỏi có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể sử dụng canxi và phốt pho để làm cho xương và răng chắc khỏe. Nó có được chủ yếu thông qua tiếp xúc của da với ánh sáng mặt trời, nhưng nó cũng có thể được cung cấp từ một số loại thực phẩm và bổ sung chế độ ăn uống. Nghiên cứu dịch tễ học ở người đã cho thấy mức độ cao hơn của vitamin D trong máu có thể liên quan với giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Trà xanh: Mặc dù các bằng chứng vẫn còn chưa chắc chắn, nhưng trà, đặc biệt là trà xanh, có thể là một nhân tố rất mạnh chống lại ung thư. Các nghiên cứu cho thấy trà xanh làm chậm hoặc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư trong các tế bào ruột già, gan, vú và tuyến tiền liệt. Trà cũng có tác dụng tương tự cho mô phổi và da. Trong một số nghiên cứu dài hạn, trà gắn liền với rủi ro thấp hơn về khả năng ung thư bàng quang, dạ dày, và ung thư tuyến tụy.
Tảo biển: Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Virginia, Hoa Kỳ cho thấy tảo biển có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Tảo biển có chứa hàm lượng cao của chlorophyll, protein albumin, acid amin và các loại vitamin có tác dụng làm giảm lượng estrogen, một trong những tác nhân gây ung thư.
17.Phòng ngừa ung thư như thế nào?
Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu bia, thuốc lá, thịt nướng cháy và các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp….
Tránh các thức ăn nêm nếm quá mặn, đặc biệt là các loại cá và thịt ướp muối. Ăn quá mặn không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư mà còn có thể dẫn tới các bệnh tim mạch và suy thận.
Cố gắng tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như các loại tia bức xạ, hóa chất…Nếu buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, bạn nên trang bị đồ bảo hộ lao động phù hợp.
Tập thể dục đều đặn hàng ngày đã được chứng minh làm giảm nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư.
18.Những quan niệm sai lầm về ung thư:
Quan niệm sai lầm 1: Ung thư là chết chắc.
Khả năng tử vong do ung thư đã giảm đều đặn từ năm 1990 cho đến nay. Tỉ lệ sống sót 5 năm cho một số bệnh ung thư, ví dụ vú, tuyến tiền liệt, tuyến giáp… đã vượt quá 90%. Tỉ lệ sống sót 5 năm cho tất cả các loại bệnh ung thư hiện nay là khoảng 66%. Nếu ung thư được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi là rất cao.
Quan niệm sai lầm 2: Ăn đường sẽ làm bệnh ung thư tồi tệ hơn.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các tế bào ung thư tiêu thụ nhiều đường(glucose) hơn so với các tế bào bình thường, nhưng chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ăn đường sẽ làm bệnh ung thư tồi tệ hơn. Tuy nhiên một chết độ ăn quá nhiều đường sẽ dẫn tới các nguy cơ khác về sức khỏe như tăng cân quá mức, tiểu đường, béo phì…
Quan niệm sai lầm 3: Chất làm ngọt nhân tạo gây ung thư.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về sự an toàn của các chất làm ngọt nhân tạo như saccharin, aspartame… nhưng không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chúng có thể gây ra ung thư ở người. Tất cả những chất làm ngọt nhân tạo, ngoại trừ cyclamate, đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và cho phép sử dụng.
Quan niệm sai lầm 4: Ung thư rất dễ lây lan.
Nói chung, ung thư sẽ không bao giờ lây lan từ người này qua người khác. Trường hợp duy nhất ung thư có thể lây lan là trường hợp cấy ghép nội tạng hoặc cấy mô từ người này sang người khác. Ngay cả trong trường hợp cấy ghép mô và nội tạng, tỷ lệ lây lan ung thư cũng rất thấp, khoảng 1/5000. Các bác sĩ luôn tránh việc sử dụng các cơ quan hoặc mô từ những người hiến tạng có tiền sử ung thư.
Quan niệm sai lầm 5: Việc phẫu thuật ung thư có thể khiến khối u di căn.
Khả năng mà phẫu thuật sẽ gây ra các khối u di căn đến khu vực khác là vô cùng thấp. Các bác sĩ có các thủ tục tiêu chuẩn để quá trình phẫu thuật không gây nên sự di căn của khối u, ví dụ nếu các bác sĩ muốn loại bỏ mô ở nhiều vùng khác nhau của cơ thể, họ sẽ sử dụng các công cụ phẫu thuật riêng biệt cho từng khu vực.
Quan niệm sai làm 6: Điện thoại di động có thể gây ung thư.
Không. Ung thư được gây ra do đột biến gene. Và điện thoại di động chỉ phát ra một loại năng lượng tần số thấp không có khả năng ảnh hưởng đến gene.
Quan niệm sai lầm 7: Nếu một người nào đó trong gia đình tôi bị ung thư, tôi chắc chắn bị ung thư.
Không. Chỉ có thể 5% đến 10% của bệnh ung thư là do di truyền từ cha mẹ. Còn lại 90% đến 95% bệnh ung thư là do các đột biến mắc phải trong suốt cuộc đời của con người do tiếp xúc với các yếu tố môi trường như bức xạ tia cực tím, khói thuốc lá, thực phẩm gây ung thư…
Quan niệm sai lầm 8: Nếu gia đình tôi không có người mắc bệnh ung thư, tôi chắc chắn sẽ không mắc bệnh ung thư.
Không. Bạn vẫn có thể mắc bệnh ung thư thông qua các tác nhân gây ung thư.