Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

Vạch trần những trò lừa đảo trên Facebook và mạng internet.

Đăng 8 năm trước

Chúng ta đang sống trong thời đại bội thực thông tin, việc cần làm không phải là tìm kiếm thông tin mà là tìm cách gạn lọc, loại bỏ những thông tin lừa đảo.

Chúng ta đang sống trong thời đại bội thực thông tin, do đó việc cần làm không phải là tìm kiếm thông tin mà là tìm cách gạn lọc và loại bỏ những thông tin nhảm nhí, không đáng tin cậy. Bên cạnh những thông tin nhảm nhí vô thưởng vô phạt, hiện nay trên Facebook và các mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những tin đồn thất thiệt gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng, kinh tế, danh dự, nhân phẩm... của nhiều người.Bài viết này nhằm vạch trần những trò lừa đảo nhảm nhí và gây hại đó cũng như hướng dẫn cách xác định và phòng tránh những trò lừa đảo tương tự trong tương lai.

1.Trò lửa đảo “nhập ngược mã PIN ATM”:

Nội dung trò lừa đảo:

Nguyên văn trò lừa đảo này phiên bản tiếng Việt:

“Mọi người chú ý nhé! Nếu bạn gặp phải 1 tên cướp ép bạn vào máy ATM bắt bạn rút tiền, bạn không nên phản kháng, vì bạn không biết được hắn có thể làm gì với bạn. Việc bạn nên làm là hãy nhập mã số PIN của bạn theo chiều ngược lại. Ví dụ: nếu mã số PIN của bạn là 1234 thì bạn hãy ấn 4321. Khi bạn ấn ngược mã số PIN, số tiền trên vẫn sẽ chạy ra, nhưng khi ra được 1 nửa thì sẽ dừng lại, đồng thời sẽ gửi thông báo đến cho công an! Mỗi máy ATM đều có chương trình này, nó được tạo ra nhằm ngăn chặn nguy hiểm cho bạn và giúp bạn thông báo cho công an. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều biết ....Hãy share vì an toàn cho chính mình và người thân của bạn nhé”


Nguyên văn trò lừa đảo này phiên bản tiếng Anh:

“IF YOU SHOULD EVER BE FORCED BY A ROBBER TO WITHDRAW MONEY FROM AN ATM MACHINE, YOU CAN NOTIFY THE POLICE BY ENTERING YOUR PIN # IN REVERSE.FOR EXAMPLE IF YOUR PIN NUMBER IS 1234 THEN YOU WOULD PUT IN 4321.THE ATM RECOGNIZES THAT YOUR PIN NUMBER IS BACKWARDS FROM THE ATM CARD YOU PLACED IN THE MACHINE. THE MACHINE WILL STILL GIVE YOU THE MONEY YOU REQUESTED, BUT UNKNOWN TO THE ROBBER, THE POLICE WILL BE IMMEDIATELY DISPATCHED TO HELP YOU.THIS INFORMATION WAS RECENTLY BROADCAST ON FOX TV AND IT STATES THAT IT IS SELDOM USED BECAUSE PEOPLE DON'T KNOW IT EXISTS. PLEASE PASS THIS ALONG.” (Chính xác là nó viết hoa toàn bộ như thế đấy, tôi chỉ trích lại nguyên văn thôi)

Vạch trần trò lừa đảo:

Mặc dù công nghệ đảo mã PIN là có thật nhưng hiện nay (tại thời điểm viết bài này) chưa từng có bất kỳ một ngân hàng nào trên thế giới sử dụng công nghệ này.

Vào năm 1994, một anh chàng tên là Joseph Zingher đã phát triển một công nghệ giúp máy ATM âm thầm gọi cảnh sát nếu mã PIN được nhập ngược. Sau đó anh chàng này cố gắng bán công nghệ của mình cho các ngân hàng nhưng không thành công. Năm 2004, tiểu bang Illinois thông qua luật yêu cầu các ngân hàng cài đặt công nghệ an toàn cho ATM nhưng không có sự bắt buộc về mặt pháp lý nên các ngân hàng vẫn thờ ơ không thèm quan tâm.

Đến tháng 4 năm 2010, một nghiên cứu của Ủa ban thương mại liên bang (Federal Trade Commission) đã cho ra kết quả là phương pháp đảo ngược mã PIN có tác dụng rất ít hoặc không có tác dụng nhưng lại gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đến người dùng.

Vi vậy, cho đến nay (2015), không có bất kỳ ngân hàng nào (dù ở Mỹ, Việt Nam hay bất cứ nơi đâu) sử dụng công nghệ này. Mọi tin đồn về thủ thuật đảo ngược mã PIN trên Facebook đều là trò lửa đảo để câu like, câu share. Nếu muốn thử kiểm tra, bạn cứ ra cây ATM nhập ngược mã PIN là biết ngay, sẽ chẳng có tiền lòi ra và cũng chẳng có ông cảnh sát nào chạy tới (Cảnh báo quan trọng: Nếu nhập sai mã PIN từ 3 - 5 lần thì thẻ sẽ bị khóa hoặc bị máy nuốt.) hoặc đơn giản hơn là hỏi một người bạn hoặc một người thân làm trong ngành ngân hàng, chắc chắn họ sẽ nói cho bạn biết trò nhập ngược mã PIN chỉ là trò lừa đảo nhảm nhí.

Tham khảo thêm:

http://usgovinfo.about.com/od/censusandstatistics/a/Why-Reverse-PIN-Is-Not-in-Use.htm

http://www.hoax-slayer.com/reverse-pin-ATM.shtml

Rút tiền ATM

2. Trò lừa đảo “gọi điện thoại khi đang sạc gây chết người” và trò lừa đảo “bức xạ gấp 1000 lần”:

Nội dung trò lừa đảo:

Nguyên văn trò lừa đảo phiên bản tiếng Việt:

“Hãy share tin tức này cho bạn bè và tất cả mọi người!!! Hôm nay một cậu bé ở Mumbai đã chết vì gọi điện trong khi đang sạc điện thoại. Cậu bé phải chịu một cơn chấn động tim đột ngột với bàn tay bị đốt cháy. Thế nên vui lòng không trả lời điện thoại khi đang sạc. Ngoài ra, khi pin điện thoại của bạn chỉ còn 1 thanh cuối cùng, đừng thực hiện cuộc gọi hoặc nghe điện thoại vì bức xạ phát ra lúc đó mạnh gấp 1000 lần.”

Nguyên văn trò lừa đảo phiên bản tiếng Anh:

“PLS. SHARE THIS TO ALL RELATIVES & FRIENDS!!! Today another boy died in Mumbai, because of attending a call while his mobile was still charging. That time he had a sudden vibration to his heart and then his hands got burned. So please don't answer calls or call out while charging your cell phone. When the phone's battery is low to the last bar don't make a call or answer any incoming calls because the radiation is 1000 times stronger. This can happen to any brand of mobile phones out there.”

Vạch trần trò lừa đảo:

Tin đồn này xuất phát từ một bài báo vào tháng 1 năm 2014 của Indian Express đăng tin một cậu bé ở Ấn Độ bị thương bởi một chiếc điện thoại Trung Quốc đang sạc phát nổ. Cậu bé nhập viện và sau đó hồi phục chứ không chết như được nói ở tin đồn.

Ngoài trường hợp của cậu bé trên, cũng có nhiều trường hợp khác được báo cáo về việc điện thoại bị nổ khi đang sạc. Tuy nhiên nguyên nhân của những sự cố này đều do sử dụng sản phẩm bị lỗi hoặc hàng giả kém chất lượng chứ không liên quan gì tới việc gọi điện khi đang sạc.

Một bài viết về bộ sạc pin cho các thiết bị trên Howstuffworks.com đã giải thích làm thế nào mà các thiết bị có thể biến đổi dòng điện AC thành dòng điện DC điện áp thấp. ( http://science.howstuffworks.com/environmental/energy/inside-transformer.htm ) Như vậy, nếu bộ sạc hoạt động một cách chính xác, sẽ không bao giờ có chuyện điện áp cao ảnh hưởng tới người sử dụng các thiết bị.

Nhưng nếu là điện thoại giả sử dụng các thiết bị kém chất lượng, cơ chế của bộ sạc sẽ không làm việc đúng, do đó gây ra thương tích và tử vong nếu lúc đó người sử dụng đang ở gần điện thoại đang sạc. Còn với điện thoại có bộ sạc đúng tiêu chuẩn chất lượng, bạn cứ thoải mái vừa gọi vừa sạc mà không cần phải lo ngại bất cứ tai nạn nào. Mỗi ngày, hàng ngàn người trên thế giới đều làm như vậy mà không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Tất nhiên, thói quen vừa gọi vừa sạc có thể ảnh hưởng đến chất lượng pin điện thoại của bạn, nhưng nó lại là chuyện khác.

Còn tin đồn “bức xạ mạnh gấp 1000 lần bình thường khi pin yếu” là một trò xuyên tạc. Một báo cáo của WHO về Sức khỏe cộng đồng cho thấy “Tín hiệu yếu có thể làm tăng bức xạ”. ( http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs193/en/ ) Và rõ ràng tín hiệu yếu thì chẳng có gì liên quan tới mức độ pin thấp cả.

Trò lừa đảo gọi điện khi đang sạc gây chết người


3.Trò lừa đảo “Cấp cứu người bị đột quỵ bằng cách chọc kim vào đầu ngón tay”:

Nội dung trò lừa đảo:

Nguyên văn trò lừa đảo bằng tiếng Việt:

“Để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, có thể dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một milimét cho đến khi có máu rỉ ra.
Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Bước tiếp theo là châm vào hai bên daí tai mỗi bên 2 mũi, cho đến khi máu nhỏ giọt ra. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại.
Mọi người phải kiên tâm chờ cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện. Vì nếu bệnh nhân được chuyên chở vào bệnh viện sớm hơn có thể những dằn xóc của xe cứu thương sẽ làm cho các mao quản trong não bộ bị vỡ ra.”

Một phiên bản khác của trò lừa đảo này là câu chuyện 2 vợ chồng đang đi trên đường thì gặp người bị đột quỵ, anh chồng nhảy xuống dùng kim chích vào đầu ngón tay nạn nhân đồng thời hướng dẫn mọi người xung quanh cùng cấp cứu theo anh.

Vạch trần trò lừa đảo:

Theo thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai thì cách cấp cứu trên là không đúng.

Bác sĩ Chính cho biết hôn mê là một tình trạng mất ý thức gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, thậm chí là do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng…

Mỗi một bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau. Trước khi các biện pháp điều trị đặc hiệu được đưa ra thì bệnh nhân hôn mê cần phải được sơ cứu đúng cách nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định (đường thở, hô hấp, tuần hoàn…).

Trong trường hợp trên, bệnh nhân được mô tả là bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay... Khoảng vài phút sau bệnh nhân tỉnh lại là rất phù hợp với bệnh cảnh của một cơn động kinh. Do không hiểu về bệnh nên cộng đồng mạng tưởng là đột quỵ

Không phải vì chích máu đầu ngón tay thì bệnh nhân mới tỉnh dậy, đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể.

Mặt khác, châm kim và nặn máu lên 10 đầu ngón tay không có tác dụng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ.

Nếu bệnh nhân ở trạng thái không tiếp xúc do Hysteria và thường có thêm tăng thông khí (thở nhanh) gây kiềm hô hấp dẫn tới hạ canxi máu (dấu hiệu co quắp bàn tay) thì việc châm kim và nặn máu có thể có tác dụng như là một liệu pháp tâm lý.

Việc này cũng tương đương với việc ta tiêm bắp bệnh nhân bằng nước cất và tiêm thật đau, cũng có tác dụng khiến bệnh nhân tỉnh ra, thở chậm lại và hết co quắp bàn tay.

Thạc sĩ Trần Đức Hùng, Phó chủ nhiệm Khoa Tim mạch, Bệnh viện 103 cho biết: “Trong Đông y đúng là có một bài thuốc châm 10 ngón tay, 10 ngón chân. Cách cấp cứu này chỉ phù hợp với thể tai biến nhẹ (tay chân yếu, phản xạ chậm) còn hầu như không có tác dụng với thể nặng (liệt, hôn mê…). Nếu như nó có khả năng tuyệt vời giống chia sẻ trên mạng kia thì Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu để đưa vào các tạp chí y học hướng dẫn cho các nước rồi”.

ThS Trần Đức Hùng chia sẻ, bản thân ông trong lúc chờ xe cấp cứu đã từng dùng phương pháp này nhưng bệnh nhân bị tai biến nặng vẫn tử vong. Vì vậy khi phát hiện ra người nhà bị tai biến, cách xử lý tốt nhất là đưa ngay người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Việc nhiều người lo ngại quá trình vận chuyển có thể làm cho các mạch máu não của bệnh nhân bị vỡ, đứt là sai vì nếu đứt thì đã đứt rồi, nếu chảy máu thì đã chảy máu rồi.

Thạc sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng: “Hoàn toàn không có cơ sở khoa học để xử trí cấp cứu người bị tai biến như thế. Việc cấp cứu tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân. Sơ cứu người tai biến chủ yếu là đảm bảo hô hấp tốt, thông thoáng, không có dị vật , không bị sặc… kiểm soát huyết áp đồng thời nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hạn chế di động đến đầu bệnh nhân, chứ không phải không di chuyển nạn nhân đi cấp cứu”

Bác sĩ cũng bó tay với mấy tin đồn thất thiệt


4. Trò lừa đảo “Ông chú mình làm ở Viettel”:

Nội dung trò lừa đảo:

Nguyên văn:

“Mình có ông chú làm ở Viettel nên mới biết thông tin này, nhân dịp XX/XX nhà mạng Viettel khuyến mãi khủng cho nhân viên của mình, khi nạp thẻ thì tài khoản được nhân gấp 10 lần, mình đã làm và thành công, bạn có thể làm theo” (thay XX/XX bằng 1 ngày lễ bất kỳ)

Vạch trần trò lừa đảo:

Tất nhiên chẳng cần phải nói nhiều về trò lừa đảo này. Bất cứ ai có đầu óc đều sẽ không bị mắc lừa bởi trò lừa nhảm nhí và vô lý này. Tuy nhiên, vẫn có một số người ngây thơ bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo, thế mới hay!

Số phận của những kẻ lừa đảo: tất nhiên lừa cho lắm rồi cuối cùng cũng sa lưới pháp luật. Sau đây là 1 ví dụ:

“Qua đấu tranh phá án, các chiến sĩ cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) đã bắt giữ các đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản qua việc tung tin “ông chú ở Viettel”. Chuyên án với bí số 123-D được lập ngay sau khi cơ quan điều tra nhận được đơn thư của các nạn nhân. Do hám lợi với số tiền khuyến mại “khủng” giống như lời quảng cáo trên Facebook không ít nạn nhân đã sập bẫy. Cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Đỗ Văn Dũng (SN 1995) tỉnh Quảng Trị về hành vi chiếm đoạt tiền qua 2 website napthe3s.com và thecao3s.com.”

Ông chú làm ở Viettel


5.Các trò lừa đảo và tin đồn thất thiệt khác:

Hầu hết các trò lừa đảo và tin đồn thất thiệt đều có liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người hoặc các vấn đề thời sự nóng hổi. Ví dụ các tin đồn thất thiệt về vệ sinh an toàn thực phẩm như “hủ tiếu nấu bằng thịt chuột”, “đỉa trong thức ăn”, “bắp ngô tẩm thuốc”… khiến biết bao người làm ăn lương thiện bằng những nghề liên quan tới những thực phẩm đó phải đao đứng. Hoặc tin đồn về cái chết của một người nổi tiếng nào đó nhưng vài hôm sau lại thấy người đó xuất hiện bình thường trước công chúng. Hoặc tin đồn về cách sơ cứu HIV nhưng lại mắc nhiều lỗi sai, không những không giúp ích được gì mà lại gây nguy hiểm cho cộng đồng.

6.Mục đích của những kẻ đăng tin lừa đảo, tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội là gì:

- Thứ nhất, câu like và câu share. Nếu để ý sẽ thấy hầu hết những trang hoặc tài khoản Facebook đăng tin đồn thất thiệt đều là những cá nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tin đồn càng giật gân càng dễ câu được nhiều like và share của những người nhẹ dạ cả tin.

-Đối với mẹo vặt, phương pháp chữa trị thì đăng tin đồn dễ hơn đăng tin đúng sự thật. Bởi vì đăng tin đồn thi có thể bịa thoải mái còn đăng tin đúng sự thật đòi hỏi phải có kiến thức và hiểu biết trong lĩnh vực y khoa.

- Tin đồn có thể sử dụng như một công cụ để nói xấu, triệt hạ đối thủ kinh doanh. Đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

- Tin đồn cũng có thể được các đối tượng sử dụng với mục đích bôi nhọ, nói xấu, trả thù, xâm phạm danh dự nhân phẩm người khác.

- Tin đồn cũng thường được dùng để gây hoang mang trong dư luận nhằm mục đích đầu cơ, chuộc lợi về kinh tế hoặc phá hoại về chính trị.

Kẻ lừa đảo


7.Các dấu hiệu nhằm xác định một thông tin đang lan truyền trên Facebook có phải là lừa đảo hoặc tin đồn thất thiệt hay không:

- Cảnh giác nếu người đăng tin là một Fanpage thương mại điện tử hoặc một cá nhân chuyên bán hàng online.

- Những thông tin khoa học, chính thống, đúng sự thật thường được viết bằng văn phong nghiêm túc, chỉn chu, ngôn từ và ngữ pháp rành mạch vì những người viết là những người có trình độ chuyên môn. Ngược lại những thông tin lừa đảo, thất thiệt thường được viết bởi ngôn ngữ bình dân, suồng sã…

- Những bài viết lừa đảo, thất thiệt thường sử dụng xưng hô thân mật, chân tình nhằm đánh động vào tâm lý của người đọc, ví dụ “các mẹ nên chú ý…”, “cả nhà đã biết tin gì chưa…”, “mình mới nhận được tin này từ một người bạn…”

- Những bài viết lừa đảo thường mở đầu bằng một lời kêu gọi mang tính cấp bách, vội vàng, hối hả…, ví dụ như “Hãy share ngay…”, “Đừng chần chừ…”, “Hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết để phòng tránh…”, “Chia sẻ điều này sẽ giúp ích được nhiều người…”. Những lời kêu gọi mang tính cấp bách này có 2 mục đích: mục đích thứ nhất là tăng khả năng bài viết được chia sẻ, mục đích thứ 2 là tạo tâm lý gấp gáp, vội vàng khiến người đọc không kịp suy nghĩ và đánh giá tính chân thực của thông tin.

- Những bài viết lừa đảo không bao giờ dẫn nguồn tới một nguồn tin đáng tin cậy, thường thì nó không bao giờ dẫn nguồn tới bất kỳ nguồn tin nào. Chúng lúc nào cũng mơ hồ như thế này : “Theo một nguồn tin đáng tin cậy…” (tin cậy tới mức không dẫn được link luôn), “theo một người quen (Người nào? Chức vụ gì?) của mình làm trong lĩnh vực X cho biết…”, “theo kinh nghiệm của một người bạn…”

- Cảnh giác với những bài viết có chứa các từ khóa phổ biến trong tiếp thị ngày nay như "hoàn toàn tự nhiên", "hữu cơ", "xanh", "thân thiện với môi trường", "bền vững", "toàn diện", "đột phá", "cách mạng".

- Đặc biệt cảnh giác với những bài viết có chứa những câu như "Thông tin này bị sự đàn áp của chính quyền" hay "Các bác sĩ không muốn bạn biết điều này" hay "Các nhà khoa học đang lừa dối bạn" hay “Đây là bí quyết gia truyền, ngoài mình ra không ai biết cả”...bla...bla... Những câu này thực chất là cái cớ để người đọc khỏi thắc mắc vì sao không tìm thấy những thông tin liên quan ở các nguồn khác.

- Hãy tập thói quen kiểm chứng lại các thông tin, đặc biệt là những bài viết có các dấu hiệu đáng nghi trên.

- Nếu cẩn thận hơn nữa, hãy luôn tâm niệm rằng: Các tin đồn trên Facebook được mặc định là sai cho tới khi nó được chứng minh là đúng.

Tin đồn trên mạng xã hội


8.Quy định của Pháp luật:

Theo Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình thì những người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý theo những điều luật sau đây:

Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi“đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Cháu của ông chú Viettel


Ngoài những quy định chung nêu trên, tùy theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Ví dụ người có hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” có thể bị xử phạt theo Điều 18 Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; người có hành vi “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng hợp và biên soạn: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #lừa_đảo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn