Văn hóa café Việt Nam: thượng hạng của giao tiếp
Đăng 4 năm trướcLướt qua không gian Hà Nội và Sài Gòn, cũng như những thành phố lớn nhỏ khác của Việt Nam, café không chỉ là thói quen của uống như một thức nước. Văn hóa café đã trở thành thương hiệu thượng hạng trong nghệ thuật giao tiếp tinh tế và đa dạng ở xứ sở hình chữ S.
Giao tiếp cafe
Là khách đến nhà: dùng một tách café nhé?
Là bạn bè gặp nhau: ra quán café đi!
Là đối tác, giao dịch công việc: mời ra quán café.
Không chỉ đơn thuần là văn hóa café, là café đã làm giàu vốn văn hóa cho người Việt.
Hương café có ma lực đặc biệt. Mùa đông hít được hương café thấy cứ quấn ấm bụng, khỏe khoắn, bù đắp cho tiết trời đương âm u rét mướt. Mùa hè, ly café đá như nước giải khát, khiến người ta trở nên tỉnh táo, xua tan cái mệt mỏi của oi bức. Nếu đã muốn gặp nhau, thì sáng, trưa, chiều, tối, cũng đều có thể chút cà phê vào trong dạ dày. Cũng có khi đêm thao thức mất ngủ, đôi mắt như chong đèn trằn trọc, có khi lại say cà phê tướt mướt run rẩy, mất nửa ngày chập choạng, nhưng đã yêu cà phê, cũng vẫn sẽ nhất định phải uống.
Quẩn quanh trong những suy tư và trầm ngâm về những dự án, ý tưởng, nhâm chút café tan trong miệng, lực tư duy trở nên mạnh mẽ, hai con mắt tươi sáng, các vấn đề rào rào được giải quyết. Còn những ngày mưa dông, nhìn trời đen sầm đen sịt, không có café là đôi mắt muốn díu lại, chừng muốn nhắm nghiền để hưởng trọn giấc ngủ trộm.
Định hình café trong con mắt người Việt chính là cốc phin đen tuyền mang số. Ấy là dành cho dân nghiền café chính hiệu. Số càng cao, vị cà phê càng đậm. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Vậy không cần đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong nước mình, người Việt đã được lĩnh hội hương vị cà phê đậm đặc và thơm ngon nhất thế giới. Cà phê đen và cà phê nâu, như hai màu mắt phổ biến của người Á Đông, vốn đã trở thành gam màu chủ đạo, long lanh và ấn tượng.
Cho những ai yêu hương cà phê mà không thể thẩm thấu vị hoặc ưa thẩm thấu ở mức độ nhẹ, khúc biến tấu của cà phê là vô hạn với đủ loại mix: sữa chua cà phê, sinh tố cà phê, kem cà phê, cà phê trứng, caramen cà phê, cà phê đá xay (blended) phủ kem tươi, pudding café, …
Ở miền bắc, đừng tưởng chỉ có dân văn phòng, giới trẻ hay lão thành Hà Nội và những thành phố đông đúc mới uống café. Café dần phổ biến trên mọi nẻo quê, từ phố huyện đến đường làng, từ cụ già móm mém đến những đứa trẻ chạy long nhong ngoài đường, không dung café ở quán thì cũng sẵn gói café tan ở nhà, khách đến là mời uống.
Nhưng café Hà Nội mới kỳ thú. Vì cái vẻ không vội vã, mà bình thản. Trong bữa café gặp mặt đều chứa đựng những câu chuyện riêng biệt. Từng giọt phin chậm chạp chảy đằm, khi đầy cốc là lúc câu chuyện đã ở đoạn vào guồng. Cốc café nhỏ xíu, nhưng đậm đặc, nên dù thời gian trò chuyện có dài, thời gian nhâm nhi cũng trở nên vô đối.
Café Sài Gòn nhuốm nắng, nhiều đá, dành cho đủ mọi tầng lớp. Có thể thoắt đến, vài ba phút đã xong cốc café. Nhưng thong thả rung chân trong những quán sang trọng, cốc café đá đủ để nghe vài bài nhạc sập sình hoặc hoàn thiện một cuộc giao dịch hợp đồng kinh tế.
Những "cỗ xe tăng" cafe Việt
Trung Nguyên kéo toang không gian và đặt những bước đi đầu tiên cho một cuộc bùng nổ dữ dội của thời đại café Việt. Giờ đây, đã thấy hòm hòm trên thị trường những tên tuổi mới và nổi. Mỗi thương hiệu phải đối mặt với hai nhóm đối thủ cạnh tranh, đó là các thương hiệu café nội địa khác, café truyền thống và các thương hiệu café quốc tế đang lấy được nhiều yêu mến của giới trẻ như Starbucks (Hoa Kỳ), Caffe Bene (Hàn Quốc), The Coffee Bean & Tea Leaf (Hoa Kỳ).
Các con đường đi của café Việt khá đa dạng, Cộng café đi theo hướng nhượng quyền, Coffe House non trẻ kết nối sự hỗ trợ của “bà đỡ” suốt hành trình, còn Highlands Coffe lại đình đám với M&A và sống rất khỏe thậm chí ở một quốc gia khác. Những cách tiếp cận mới như thế này mặc dù đã phổ biến lâu ở các nước phát triển, nhưng hiện tại lại đang trở thành phương thức kinh doanh mới mẻ ở Việt Nam.
Là hậu sinh ra đời trong bối cảnh thị trường café Việt Nam đang ở trong thế cạnh tranh khốc liệt, nhưng Coffee House mạnh mẽ “phi nước đại” và tỏ ra cực kỳ sung sức. Trong hai năm 2014 - 2015, Coffee House đã mở tới 22 cửa hàng ở Việt Nam. Coffee House nỗ lực mở tiếp 40 cửa hàng trong năm 2016 và phấn đấu con số lên 200 đến năm 2020. Tham vọng cực kỳ lớn của Coffee House cho thấy sự dấn thân có tính chiến lược và mang nhiều thách thức. Nhưng Coffee House rất tự tin bởi văn hóa đậm phong cách Việt, đáp ứng được các tiêu chí thắng thế mà ngay cả thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam cũng không có được như mặt bằng rộng thoáng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo và giá cả cạnh tranh.
Coffee House không đi theo con đường nhượng quyền mà tự mở các quán, hiện được được hỗ trợ từ quỹ đầu tư Seedcom. Con đường tiến thân của Coffe House không chỉ là bán café, triết lý đậm văn hóa là đưa không gian ngôi nhà thân thiện trên những nẻo phố để bạn bè, đồng nghiệp, gia đình… đến trò chuyện, trao đổi thông tin chính là điểm thu hút có thể sẽ đưa thương hiệu này đi xa hơn mong đợi.
Khác với Coffee House, Cộng Café đi theo con đường chuyển nhượng. Khởi đầu chỉ từ một quán café nhỏ năm 2007 giữa Hà Nội, Cộng Café dò dẫm từng bước và lớn dần cùng với thương hiệu hiện đã đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ . Đến thời điểm này, mô hình trở nên khá thành công nhờ yếu tố độc và lạ, bao phủ rộng với tổng cộng 20 cửa hàng trên các con phố ở thủ đô Hà Nội, và xuất hiện thận trọng, dò dẫm ở thị trường Đà Nẵng, Sài Gòn. Khác biệt của Cộng Café luôn luôn là điểm cộng so với nhiều hệ thống cửa hàng café khác ở Việt Nam là không gian bao cấp, cũ, gợi nhớ kỷ niệm, khôi phục những quãng ký ức của nhiều thế hệ hiện vẫn là những nhân chứng sống, được ngắm nhìn lại những đồ vật đã từng gắn bó, được lặng mình trong những hơi thở thời đại khó quên chợt ùa về. Cộng Café đã có những lời mời hấp dẫn từ phía các đối tác không chỉ ở trong nước. Nhưng bà chủ thương hiệu, ca sĩ Linh Dung lại không hề vội vàng vì muốn được lớn mạnh theo thời gian để dành nhiều tâm huyết chăm sóc.
Đam mê đem đến cho khách hàng một sản phẩm Việt ưu việt, một thương hiệu Việt hàng đầu chính là khởi đầu cho sự ra đời thương hiệu café Highlands nổi tiếng của Công ty Việt Thái quốc tế. Coffee House đặt đại bản doanh ở TP Hồ Chí Minh, Cộng café lấy Hà Nội làm bàn đạp chính thì Highlands Coffee thử sức ngay từ ban đầu với hai cửa hàng có mặt ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2002. 7 năm sau đó, Highlands Coffee có đến 80 cửa hàng và có mặt thêm ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai. Thông qua cuộc chuyển nhượng khá nổi tiếng, Highlands Coffee sau đó được công ty mẹ đẻ nhượng cổ phần cho chủ mới là tập đoàn Jollibee đến từ Philippines. Highlands coffee vẫn tiếp tục được mở rộng tại thị trường trong nước với gần 100 cửa hàng hiện có, chưa kể, thương hiệu này, theo chiến lược, sẽ được đưa vào các hệ thống nhà hàng của Jollibee trên toàn châu Á. Xuất hiện trước tiên trên quê hương của Jollibee là Philippines với gần 40 cửa hàng, Highlands Coffee rất may mắn khi 100% café có nguồn gốc từ Việt Nam, giúp cho thương hiệu Highland Coffee vẫn còn nguyên giá trị và chất lượng như thuở ban đầu. Mặc dù vậy, giấc mơ quốc tế của Highlands Coffe như vậy là chưa được đi xa như mong ước.
Thị trường café Việt Nam còn được chứng kiến nhiều chú lính chì khác đang rất nỗ lực bền bỉ trong quá trình tạo thương hiệu và cố gắng mở rộng chuỗi cửa hàng như Milano, Passio. Các “chiến sĩ” của café nội đang rất dũng cảm để bước vào những thử thách mới, trong một cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt nhưng đầy sức hấp dẫn ở Việt Nam và làm đòn bẩy cho những cuộc “tung hô” mới trên trường café thế giới.
Café Việt sẽ làm chủ được ngay tại sân nhà và sẽ nổi như cồn ở tầm quốc tế, trong một tương lai không xa.
Café Việt - những khúc biến tấu
Đến hết 2015, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu café, và đứng đầu về xuất khẩu café Robusta.
Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Việt Nam, được National Gepgraphics Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua café Việt Nam”. Ông công bố ba mục tiêu của cuộc đời mình là: toàn cầu hóa Trung Nguyên; đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; theo đuổi học thuyết café trên phạm vi toàn cầu.
Trung Nguyên cũng đẩy mạnh công tác nhượng quyền ở Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore và Trung Quốc bên cạnh các cửa hàng bán cà phê đầu tiên được phát triển ở Đức, New York (Mỹ) có từ năm 2006. Riêng cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Trung Nguyên có cách đặt tên cho sản phẩm của mình rất độc đáo và đặc biệt như “Thành Công”, “Sáng tạo”, “Khám Phá”, “Tư Duy”. Hay ho nhất là café mang tên “Passiona” mang lại tinh thần sảng khoái và làn da hoàn hảo cho phái đẹp.
Café Arabica (cà phê chè) Đà Lạt, Lâm Đồng đã được “ông lớn” Starbucks (Mỹ) công nhận là một trong bảy loại cà phê ngon nhất thế giới, và được bày bán tại 21.000 cửa hàng trên toàn cầu.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Arabica được người Pháp thu hoạch ở Đà Lạt, chế biến và đóng gói để phục vụ giới thượng lưu, quý tộc và xuất khẩu sang nhiều nước.
Vùng trồng café ở Cầu Đất, xã Xuân Trường, Đà Lạt nổi tiếng cho ra café ngon nhất Việt Nam, nhưng hiện chỉ còn khoảng 1000 ha. Đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu có khoảng 30.000 ha café Arabica.
Một phần tư café uống ở Anh đến từ Việt Nam. Đức, Mỹ và Bỉ là những quốc gia nhập khẩu lớn nhất café Việt Nam.