Vì sao chúng ta không bao giờ thấy chó sói biểu diễn trong rạp xiếc
Đăng 4 năm trướcNgười Mỹ có một câu ngạn ngữ: "Hổ và Sư tử có thể mạnh hơn, nhưng Sói không phải trình diễn trong rạp xiếc." (Nguyên văn: "The Lion and the Tiger may be more powerful, but the Wolf does not perform in the circus.")
Người Mỹ có một câu ngạn ngữ: "Hổ và Sư tử có thể mạnh hơn, nhưng Sói không phải trình diễn trong rạp xiếc." (Nguyên văn: "The Lion and the Tiger may be more powerful, but the Wolf does not perform in the circus.")Câu nói này ám chỉ rằng Sói là loài động vật độc lập và kiêu hãnh, dù yếu hơn nhiều loài động vật khác nhưng tính cách kiên cường bất khuất của chúng khiến chúng không bao giờ cam chịu khuất phục trước sức mạnh của con người. Tuy nhiên nếu xét theo khía cạnh khoa học thì ẩn ý này hoàn toàn sai!
Nếu bỏ đi phần ẩn ý phía sau thì câu nói trên cũng diễn tả chính xác một thực tế: có đủ loại xiếc thú: hổ, sư tử, gấu, voi, thậm chí là cá, hải cẩu... Nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ chúng ta thấy sói bị bắt đi nhảy vòng lửa bao giờ cả.
Nói cho đúng thì thi thoảng cũng có gánh xiếc dùng sói. Nhưng rõ ràng so với các loài thú khác, tỉ lệ phổ biến thực sự thấp hơn hẳn, đến mức người ta có thể mặc định luôn: sói không phải dành cho rạp xiếc.
Nhưng lý do thật sự ở đây là gì? Phải chăng vì những con sói quá kiên cường bất khuất đến mức người ta không thể thuần phục được? Tất nhiên không phải như vậy rồi!
01.Lý do thật sự vì sao người ta không sử dụng sói cho rạp xiếc:
Trước tiên chúng ta phải xác định đặc tính quan trọng nhất cần phải có của những con thú trong rạp xiếc, đó là “lạ”. Trước kia, các gánh xiếc vốn hoạt động rất mạnh ở thành phố - nơi trẻ em chưa bao giờ trông thấy động vật hoang dã. Vậy nên, luyện thú làm xiếc là một trong những cách "hốt bạc" nhanh nhất. Và tất nhiên những con vật hiếm gặp như sư tử, voi, hổ, cá heo… sẽ gây tò mò và thu hút người xem hơn những con vật quen thuộc như chó, mèo.
Xét trên yếu tố này, sói sẽ "được" loại từ vòng gửi xe, đơn giản là vì chúng ta đã có loài vật thay thế quá tốt cho chúng: chó. Như chúng ta đã nói ở trên, chó và mèo là những ứng cử viên tệ hại cho rạp xiếc, nhưng sói thậm chí còn tệ hại hơn cả chó.
Trên thực tế, chó vốn là sói được con người thuần chủng, vậy nên ngoại hình của chó nhà và chó sói cũng không khác biệt là bao. Do vậy đối với khán giả, một con sói làm xiếc cũng không khác biệt gì so với một con chó làm xiếc. So với việc phải huấn luyện một loài vật chưa thuần hóa, chó rõ ràng là một sự lựa chọn phù hợp hơn. Và tất nhiên để tạo ra cùng một hiệu ứng như nhau, chẳng ai rỗi hơn đi chọn công việc khó hơn.
Lý do thứ hai là số lượng sói còn sót lại trên thế giới là quá ít: hầu hết các loài sói đều hoặc trên bờ vực tuyệt chủng, hoặc đã vĩnh viễn biến mất. Vì vậy, việc săn bắt sói vì bất kỳ mục đích gì đã sớm bị nghiêm cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Và cuối cùng, trong văn hóa phương Tây, sói vốn là loài vật gắn với nhiều truyền thuyết - chủ yếu liên quan đến linh hồn, thậm chí là quỷ dữ và nỗi sợ. Vậy nên, có vẻ như người ta muốn né tránh, không muốn lôi sói ra làm trò tiêu khiển.
02.Nếu so về sự kiên cường bất khuất, sói không hề vượt trội hơn các động vật hoang dã khác:
Sói không khó thuần hóa. Sói thực ra chỉ khó huấn luyện cho mục đích làm xiếc, nhưng chúng lại là loài dễ thuần hóa bậc nhất cho các mục đích khác như đi săn hoặc làm thú cưng. Chúng là một trong những loài vật được con người thuần hóa từ rất sớm và là tổ tiên của những giống chó nhà hiện nay.
Nhiều người cho rằng sói khó huấn luyện làm xiếc vì tính cách của chúng kiên cường và không chịu khuất phục. Tuy nhiên sự thực lại hoàn toàn ngược lại. Sói khó huấn luyện để làm xiếc vì chúng nhút nhát và sợ tiếng ồn. Mà rạp xiếc vốn dĩ là một nơi rất ồn ào và hỗn loạn. Có thể nói sói không được biểu diễn trong rạp xiếc không phải vì chúng kiêu hãnh, mà vì chúng vô dụng. Hay theo như một câu châm ngôn hài hước “Bị lợi dụng cũng chưa phải điều quá tệ hại. Thảm hại nhất là ngay cả giá trị lợi dụng cũng không có.”
03.Chó được thuần hóa từ sói như thế nào?
Theo tạp chí khoa học Royal Society Open Science, các nhà khoa học Pháp khẳng định rằng ngay từ những ngày đầu tiên sống bên con người, chó đã ăn thức ăn thừa của người. Có thể đó chính là nguyên nhân làm cho các hướng di truyền của chó nhà tách ra khỏi chó sói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các hướng tiến hóa của chó nhà với chó sói đã phân nhánh từ gần 15.000 năm trước và khác với tổ tiên của mình, chó được thuần hóa lại được ăn những loại thức ăn có hàm lượng tinh bột cao. Mặc dù có một số nét giống nhau, ví dụ cả hai đều có khứu giác rất nhạy, chó nhà và chó sói có nhiều đặc điểm khác xa nhau. Phần lớn các giống chó nhà có đôi tai mềm và mõm ngắn – điều chỉ được tìm thấy ở những con chó sói con. Ngoại lệ duy nhất cho quy tắc này là các giống chó Shepherd hoặc Husky. Một điều đặc trưng khác của chó sói là chúng thường có đôi mắt màu vàng trong khi chó nhà có đôi mắt màu nâu hoặc xanh.
Các nhà sinh học Pháp đã nghiên cứu các bộ xương chó có niên đại 8.000 - 4.000 năm trước Công nguyên tại 8 điểm dừng chân cổ xưa của người ở châu Âu và Turkmenistan. Các mẫu ADN đã cho thấy khả năng của chó trong việc tiêu hóa tinh bột ngay từ hồi xa xưa.
Nhưng hiện nay các nhà khoa học còn chưa thống nhất được với nhau về quá trình thuần hóa chó. Một số người cho rằng những người cổ đại đi săn bắn và hái lượm đã sử dụng cho sói như những lính bảo vệ và trợ thủ trong săn bắn rồi dần dần huấn luyện và thuần hóa chúng. Những nhà khoa học khác lại cho rằng quá trình thuần hóa diễn ra muộn hơn khi chó sói biết ăn vụng thức ăn của con người và nhờ vậy, bắt đầu sống gần gũi hơn với con người. Những kết quả do các nhà khoa hoc Pháp công bố củng cố thêm cho quan điểm này.