VTALK chỉ ra ý nghĩa bài Thuyết trình từ Chả giò
Đăng 2 năm trướcKhi Chả Giò nói những câu chuyện muôn thuở của người Việt
Chả Giò - ẩm ương nhưng vẫn rất thơ
Chả Giò là cô nàng có tính cách ẩm ương nhất mà tôi từng thấy. Ả ta không kiêu kỳ, không tỏ vẻ cao cao tại thượng chỉ trao mình ở những bữa cao lương mỹ vị. Nhưng lại cũng không phải người dễ chịu gì, bằng chứng là những bữa cơm thường ngày, chẳng mấy khi ả đem thân mình mà tham dự. Bao giờ ả cũng cần một lý do, một “nhân dịp…” nào đó làm lời mở lối cho sự xuất hiện của mình. Hoặc là bữa cơm ngày Tết, hoặc là bữa tiệc cưới hỏi… Nhất định phải là một dịp gì đấy, không yêu cầu quá cao sang, nhưng nhất định phải có lý do cho sự góp mặt.
Cũng như bao nàng thơ khác, Chả Giò thích chọn cho mình một vóc dáng cân đối. Nếu ai non tay nghề mà quấn nàng ta hơi “nặng ký”, nàng sẽ dỗi, chiên hồi lâu mới vàng và rồi khi ăn nhất định sẽ bị ngán hơi dầu trong cổ họng, bức bứ và khó chịu. Nhưng nếu quấn ả quá nhỏ, ả sẵn sàng không ý kiến gì nhưng đến lúc thưởng thức lại dễ khiến người ta hụt hẫng vì cảm chưa tới được vị, chưa đủ cảm giác quyến luyến trên đầu lưỡi.
Chả Giò nom dịu dàng là thế chứ cũng thử thách ra mặt. Muốn Chả Giò chiên đạt đến độ vàng giòn tự nhiên và hấp dẫn nhất, ta không thể dùng loại bánh thường mà quấn được. Ả ưa đúng dòng bánh tráng gạo mà ta thường dùng ăn kèm với các loại rau sống. Nhất định phải là bánh tráng gạo chứ không thể dễ dãi dùng bánh tráng rế mà cẩu thả cho nhanh. Dòng bánh tráng gạo này trơn, khó quấn vì không giữ nếp đẹp được nhưng ăn lại rất giòn, quyện vị rất hài hòa với lớp nhân phía trong của Chả.
Thứ quyến rũ lòng người của Chả Giò là lớp vỏ giòn rụm và khiêu gợi ấy. Nhưng để thực sự chinh phục và khiến người đời phải khát khao mình, Chả Giò quyết tâm đầu tư vào nhân. Nàng ta lúc nào cũng giấu nhẹm phần nhân vào mãi phía trong đấy thôi, giấu để bắt người khác phải tìm, phải nỗ lực thì mới chinh phục được ả. Người thưởng thức phải kiên nhẫn mà lần tìm qua từng lớp vỏ, nếm cho bằng hết những vụn tan trong miệng rồi mới cảm nhận được lớp nhân của Chả đang nâng niu từng tế bào vị giác trong khuôn miệng mình.
Nhân Chả Giò là sự kết hợp hài hòa của mọi điều tinh túy nhất từ ẩm thực. Tùy vào vùng miền, tùy vào sở thích mà mỗi nơi, người ta lại chọn những nguyên liệu khác nhau để làm nhân. Người miền Bắc thì thích dùng thịt heo, nấm mèo làm nhân. Người miền Nam lại ưa thêm thắt chút củ quả cùng dăm ba loại hải sản thông dụng. Không có quy tắc bắt buộc nào cho việc lựa chọn, ưu tiên tuyệt đối chính là sự kết hợp hài hòa mà chúng có thể mang lại cho người thưởng thức. Càng hài hòa, càng lưu luyến thì Chả Giò càng thỏa mãn. Bởi Chả Giò chẳng ưa nói nhiều, nàng ta trầm tĩnh và thích sự ưu tư. Những chất chứa, những rung động mến yêu, nàng ta luôn giấu nhẹm vào sâu trong lòng nhân của mình.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao nhiều người lại ví Chả Giò là một cô gái đẹp. Vài nét phảng phất ở ngoại hình làm sao đủ để khắc tạc nên một nàng thơ. Cô gái đẹp phải đẹp ở cốt cách, ở trái tim và trí tuệ sâu bên trong mình. Những vẻ đẹp mà kẻ vội không bao giờ có thể nhận ra được. Người yêu Chả Giò thì nhiều, nhưng chinh phục được ả thì vốn chẳng bao nhiêu vì đâu phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và đủ khả năng để thấu hiểu hết giá trị mà nàng ta luôn tôn thờ.
Thuyết trình - phần “nhân” ý nghĩa nằm chờ phía sau
Chúng ta dễ bị những hào nhoáng bề ngoài cám dỗ và dẫn dắt sự vui thích ban đầu. Nhưng để yêu, để thương, để đồng hành cùng nhau trong một quãng đường dài, nhất định phải xuất phát từ giá trị và ý nghĩa từ sâu bên trong. Phải như Chả Giò, luôn ôm ấp và chăm chút cho phần nhân ngọt bùi, đậm vị của mình.
Đó phải chăng cũng là lý do mà cùng một đề tài thuyết trình, có người khiến khán giả vỡ òa trong xúc cảm, lắng lòng trong bao suy tư nhưng lại cũng có người khiến ta quên ngay khi vừa nghe xong những câu từ ấy. Lý do nằm ở chính tầng mức ý nghĩa mà bài thuyết trình đó truyền tải, nông hay sâu sẽ là yếu tố quyết định sự thành-bại.
Khi thuyết trình được phủ rộng khắp cánh báo chí, người ta bắt đầu ca ngợi hắn như một kỹ thuật tối cao nhằm thuyết phục và khẳng định sự thành công của riêng mình. Hẳn là thế nên nhiều người chuyên tâm đầu tư vào ngôn ngữ hình thể, powerpoint rồi học giọng điệu nhấn nhá đủ mọi cung bậc. Người ta nghĩ bấy nhiêu là đủ cho một bài thuyết trình hoàn hảo.
Nhưng thuyết trình là kỹ năng, là phương tiện truyền tải các thông điệp, ý nghĩa và kiến thức, vốn không phải những kỹ thuật bề nổi nhằm đạt được sự thu phục đơn thuần về mặt tâm lý con người. Một bài thuyết trình hay là bài ấn định được vào lòng khán giả một ý nghĩa không những không thể quên đi mà càng ngẫm, càng thêm thấm thía.
Giống như món Chả Giò, bài thuyết trình phải tạo được nhân. Một phần nhân được bọc kỹ qua nhiều lớp ý nghĩa, được dẫn dắt qua nhiều câu chuyện và phải được trau chuốt đến độ tinh tuyển mới thôi.
Đó là lý do mà khi phát biểu tại bữa tiệc tổ chức ở Washington, ông Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có một bài diễn văn độc đáo khiến nhiều quan chức Mỹ đến tận bây giờ vẫn nhớ. Mở đầu bài diễn văn, ông nói: “Last night, I had a dream!” (Tạm dịch: Đêm qua tôi có một giấc mơ).
Không phải một màn tự giới thiệu hoành tráng, cũng không phải một lời chào đầy chân tình, ông mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu nói tưởng chừng rất vu vơ. Có phải vì ông đang quá hời hợt trong việc xây dựng ý nghĩa bài thuyết trình?
Nhưng đó chỉ là lớp bánh tráng đầu tiên trong việc ông dẫn dắt mọi người đến với phần nhân ý nghĩa trong bài nói của mình. Đối với người Mỹ, câu nói này là một tuyên ngôn bất hủ. Đó là câu nói nổi tiếng của Martin Luther King-nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Và khi nghe đến câu nói ấy, cả khán phòng đều lặng như tờ để theo dõi “giấc mơ” mà ông mang tới cho họ.
Dĩ nhiên là bác Bộ trưởng của ta cũng không làm mọi người thất vọng. Ông nhanh chóng tận dụng “giấc mơ” để lần lượt giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam với cả khán phòng. Những tiếng vỗ tay rào rào không ngớt kèm tiếng cười sảng khoái là minh chứng cho phần trình bày hết sức thuyết phục của ông. Ông đã gợi mở và gieo vào lòng người nghe một ấn tượng mới mẻ về con người và doanh nghiệp Việt. Đó cũng chính là ý nghĩa tuyệt vời mà ông hướng tới trong bài nói của mình. Một bài nói vô cùng thành công!
Hay như ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK từng chia sẻ: “Điều quyết định sự thành công của bài thuyết trình chính là ý nghĩa của nó. Khán giả càng nghe, càng vỡ ra nhiều điều thì đó mới là bài thuyết trình hoàn hảo nhất”. Chúng ta có thể có nhiều cách để gây ấn tượng với mọi người, nhưng duy chỉ có việc xây dựng nền tảng ý nghĩa vững chắc mới có thể níu chân và thôi thúc sự thay đổi từ khán giả sau khi bài thuyết trình kết thúc.
Dù là một cô gái đẹp hay một bài thuyết trình thì cũng nên học hỏi Chả Giò bài học xây dựng giá trị cho mình. Nhất định phải luôn có một phần nhân thơm nức và hấp dẫn. Vì phần nhân luôn là giá trị và ý nghĩa bền vững nhất!