Cú mèo

Ý nghĩa quốc kỳ các nước

Đăng 7 năm trước

Đằng sau mỗi lá quốc kỳ là sự phản ánh lịch sử, đặc điểm của quốc gia. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa quốc kỳ của một số nước.

Quốc kỳ là loại cờ được dùng làm biểu trưng cho một quốc gia. Những công trình công cộng và tư nhân như trường học và cơ quan chính phủ thường treo quốc kỳ. Các yếu tố như màu cờ, hình dạng và các ký hiệu được dùng để nêu bật đặc điểm, lịch sử và giá trị của quốc gia. Tôn trọng quốc kỳ cũng là thể hiện sự yêu nước, nhắc nhở chúng ta nguồn gốc và văn hóa của tổ tiên. 

Tiếp theo bài viết “Các lá cờ kỳ thú trên thế giới”, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về quốc kỳ của các nước. 

Trước khi đi vòng quanh thế giới, tìm hiểu Đông Tây cổ kim thì hãy dành chút thời gian để hiểu về quốc kỳ Việt Nam. Có thể bạn đã được nghe nói nhiều về ý nghĩa của Quốc kỳ nước ta nhưng nếu ai đó đột nhiên hỏi bạn thì bạn có thể nói trôi chảy được không?

VIỆT NAM

Tổng quan: Quốc kỳ Việt Nam hiện nay được công nhận chính thức vào năm 1976, là lá cờ đại diện cho nước Việt Nam thống nhất. Trong Hiến pháp (2013) có quy định: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Nguyên mẫu của quốc kỳ Việt Nam hiện nay được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940. Tuy nhiên, dù đã tồn tại hơn 70 năm nhưng tác giả của lá cờ vẫn không được xác định một cách chính xác, đa số ý kiến cho rằng tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến, nhưng cũng có một số giả thiết cho là ông Lê Quang Sô. 

Ýnghĩa: 

  • Nền đỏ: tượng trưng cho cách mạng, đồng thời cũng tượng trưng dòng máu đỏ, sự hi sinh của các anh hùng cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
  • Màu vàng: là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam hay tượng trưng da vàng. 
  • Sao năm cánh: tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết.

BRAZIL

Tổng quan: Nhiều người trong chúng ta sẽ thấy quen thuộc với quốc kỳ Brazil, đặc biệt là những ai mê môn bóng đá. Quốc kỳ Brazil được chính thức thông qua vào ngày 19/11/1889. Nhà tâm lý học, toán học người Brazil TeixeiraMendes cùng các cộng sự Miguel Lemos, Manuel Pereira Reis và Décio Villares là tác giả tạo ra lá cờ này. Lá quốc kỳ là sự kết hợp vòng tròn màu xanh với những ngôi sao và dòng chữ “Ordem e Progresso”, nằm lọt bên trong hình thoi màu xanh trên nền xanh lá. 

Ý nghĩa: 

  • Nền xanh lá: màu biểu tượng của vua Pedro, hoàng đế đầu tiên của Brazil, đồng thời cũng tượng trưng cho những cánh rừng và cánh đồng xum xuê, tươi tốt của Brazil. 
  • Hình thoi màu vàng: màu đại diện cho nữ hoàng Maria Leopoldina, vợ của vua Pedro, đồng thời đây cũng là trữ lượng vàng lớn của Brazil. 
  • Vòng tròn màu xanh: quả địa cầu màu xanh với đầy sao. 
  • Các ngôi sao trắng: 27 ngôi sao trắng năm cánh với kích thước khác nhau biểu trưng cho các bang của Brazil và Đặc khu Liên bang. 
  • Khẩu hiệu: dòng chữ màu trắng chạy qua vòng tròn màu xanh “ORDEM E PROGRESSO”, là cụm từ trong tiếng Bồ Đào Nha với ý nghĩa “Trật tự và Tiến bộ”.

TRUNG QUỐC

Tổng quan: Quốc kỳ Trung Quốc được thượng cờ lần đầu tiên vào ngày 01/10/1949 tại buổi lễ khai sinh ra nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Lá cờ do Tăng Liên Tùng thiết kế trong phong trào phát động thiết kế quốc kỳ. Trong đợt phát động này, ban tổ chức đã nhận được 3.000 mẫu thiết kế và thiết kế của Tăng Liên Tùng được chọn, được chỉnh sửa lại một chút. Lá quốc kỳ với ngôi sao vàng lớn bao quanh bởi 4 ngôi sao vàng nhỏ nằm ở góc trên bên trái của nền cờ đỏ. Lá cờ thường cũng được gọi là “Ngũ tinh hồng kỳ”. 

Ý nghĩa: 

  • Nền đỏ: tượng trưng cho cách mạng cộng sản. 
  • Ngôi sao vàng lớn: biểu tượng của Đảng Cộng sảnTrung Quốc 
  • Bốn ngôi sao vàng nhỏ: biểu trưng cho lực lượng cách mạng – công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị và tư sản dân tộc. Năm ngôi sao biểu trưng cho sự đoàn kết của nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

MỸ

Tổng quan: Quốc kỳ của Hoa Kỳ được chính thức công nhận vào ngày 14/6/1777. Vào thời điểm vừa được chính thức công nhận, có 13 sọc ngang đỏ và trắng xen kẽ và một góc nhỏ bên trên trái của lá cờ là khu vực nền xanh gồm 13 ngôi sao. Con số 13 tượng trưng cho 13 tiểu bang đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi nước Anh và thành lập nên Liên bang. Kể từ đó, là quốc kỳ được thay đổi 26 lần khi số bang tăng lên và lá cờ 50 sao hiện tại được chính thức thông qua vào ngày 04/7/1960. Trong tiếng Anh, lá quốc kỳ này còn có nhiều tên khác như The Stars and Stripes (sao và sọc), Old Glory và The Star-Spangled Banner (lá cờ đính sao). 

Ý nghĩa: 

  • Màu đỏ: tượng trưng cho lòng dũng cảm, sức mạnh và sự nhiệt huyết.
  • Màu trắng: nói lên niềm hy vọng, thanh khiết và kỷ luật. 
  • Màu xanh dương: biểu tượng của lòng trung thành và công lý. 
  • 13 sọc: biểu trưng cho 13 bang sơ khai trong buổi đầu mới thành lập của nước Mỹ. 
  • 50 sao: tượng trưng cho 50 bang.

AUSTRALIA

Tổng quan: Quốc kỳ Australia lần đầu tiên tung bay tại Melbourne vào ngày 03/9/1901 (ngày 03/9 cũng là Ngày Quốc kỳ Australia).Tuy nhiên, thiết kế đã được hiệu chỉnh một chút và được vua Edward-VII thông qua vào năm 1903. Thiết kế quốc kỳ được chọn từ một cuộc thi được tổ chức năm 1901. Lá cờ bao gồm Cờ liên hiệp Anh ở góc trên bên trái, một ngôi sao lớn màu trắng 7 cánh phía dưới cờ liên hiệp Anh và 5 ngôi sao ở nửa phải tượng trưng cho chòm sao Chữ thập phương Nam. 

Ý nghĩa: 

  • Cờ liên hiệp Anh: ghi nhận lịch sử định cư của người Anh ở Úc trong suốt thời kỳ thuộc địa và để biểu thị lòng trung thành đối với Đế quốc Anh. 
  • Ngôi sao lớn màu trắng 7 cánh (gọi là sao Thịnh vượng chung hay sao Liên bang). Ban đầu chỉ là ngôi sao 6 cánh biểu trưng cho 6 bang của Úc. Cánh thứ 7 được thêm vào năm 1908 biểu tượng cho lãnh thổ Papua và bất kỳ lãnh thổ nào trong tương lai của Liên bang Úc (Papua sau đó đã giành độc lập và tách khỏi Australia). 
  • Chòm sao Thập tự phương Nam: bao gồm 5 ngôi sao, là cách để tượng trưng cho vị trí địa lý của Australia, chòm sao duy nhất có thể thấy ở Bán cầu Nam và có thể thấy trên toàn Australia.

HÀN QUỐC

Tổng quan: Quốc kỳ Hàn Quốc được chính thức phê chuẩn vào ngày 15/10/1949 dù đã được sử dụng từ trước đó. Trong tiếng Hàn Quốc được gọi là Taegeugi (cờ Thái cực), bao gồm Thái cực đồ (vòng tròn âm – dương) với 2 màu đỏ và xanh (tiếng Hàn Quốc gọi là Taegeuk), xung quanh là 4 quẻ bát quái đối lập với nền trắng. 

Ý nghĩa: 

  • Nền trắng: biểu tượng của hòa bình và sự thanh khiết. Màu trắng cũng là màu sắc truyền thống của Hàn Quốc. 
  • Bốn quẻ bát quái: góc trên bên trái là quẻ Càn (tượng trưng cho Trời), góc dưới bên trái là quẻ Ly (biểu trưng cho yếu tố Lửa), góc trên bên phải là quẻ Khảm (biểu trưng cho yếu tố Nước) và cuối cùng góc dưới bên phải là quẻ Khôn (tượng trưng cho Đất). 
  • Vòng tròn đỏ - xanh: xuất phát từ triết lý âm –dương, tượng trưng cho sự cân bằng của vũ trụ. Phần màu xanh tượng trưng cho Âm, màu đỏ tượng trưng cho Dương, kết hợp lại tạo nên biểu tượng của sự sinh thành phát triển tương hỗ lẫn nhau trong quan hệ đối lập.

NAM PHI

Tổng quan: Quốc kỳ Nam Phi được phê chuẩn vào ngày 27/4/1994. Quốc kỳ với ý nghĩa tượng trưng cho sự thống nhất và là biểu tượng của nền dân chủ mới sau khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Lá cờ được thiết kế bởi nhà nghiên cứu quân kỳ Frederick Brownell, ông cũng là tác giả thiết kế quốc kỳ Nambia. Vào thời điểm được chấp thuận, đây là quốc kỳ duy nhất có 6 màu. Hình ảnh quốc kỳ Nam Phi có dạng chữ Y với các màu đỏ, xanh dương, xanh lá cây, vàng và đen. 

Ý nghĩa: 

  • Đen, xanh lá và vàng: Những màu này lấy từ màu trên cờ của các Đảng phái chính trị của người dân tộc Phi gồm Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Đại hội Toàn Phi (PAC) và Đảng Tự do Inkatha (IFP). Cụ thể, màu đen là biểu tượng của người da màu, màu xanh tượng trưng cho đất đai màu mỡ, màu vàng tượng trưng cho khoáng sản dồi dào. 
  • Đỏ, trắng và xanh dương: Những màu này biểu trưng cho thực dân châu Âu cũng như lá cờ của nước Cộng hòa Boer trước đây (các nước Cộng hòa tự trị do những cư dân nói tiếng Hà Lan lập nên vào thế kỷ 19), do đó nó tượng trưng cho người da trắng tại quốcgia này.
  • Ký hiệu ‘Y’: tượng trưng cho sự thống nhất các nhóm sắc tộc và đánh dấu một nước Nam Phi thống nhất.

ICELAND

Tổng quan: Quốc kỳ của Iceland được chính thức thông qua vào ngày 19/6/1915 và được quy định chính thức trong luật vào ngày 17/6/1944 khi Iceland chính thức hoàn toàn độc lập. Nền cờ màu lam, trên có chữ thập màu trắng và màu đỏ. Hình ảnh chữ thập được lấy ý tưởng từ là cờ của Đan Mạch (tách ra khỏi Đan Mạch và trở thành một quốc gia độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1944). 

Ý nghĩa: 

  • Nền xanh: tượng trưng cho Đại Tây Dương bao quanh Iceland. 
  • Màu trắng: biểu trưng cho tuyết và băng bao phủ hầu khắp đất nước gần như quanh năm. 
  • Màu đỏ: tượng trưng cho hơn 100 ngọn núi lửa còn hoạt động và ngưng hoạt động tại Iceland.Chữ thập: là biểu tượng của Cơ đốc giáo.

PAKISTAN

Tổng quan: Quốc kỳ của Pakistan được chấp thuận thông qua trong cuộc họp của Hội đồng Lập hiến vào ngày 11/08/1947, đúng 3 ngày trước khi nước này giành được độc lập vào ngày 14/3/1947.  Lá quốc kỳ này do Amiruddin Kidwai dựa trên lá cờ của Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn Độ, đảng chính trị thúc đẩy thành lập nhà nước Hồi giáo Pakistan tách từ Ấn Độ. Một ngôi sao năm cánh màu trắng và một trăng lưỡi liềm trên nền xanh lá cây đậm, với một dải trắng đứng tại rìa bên trái. 

Ý nghĩa: 

  • Màu xanh lá: tượng trưng cho đạo Hồi và các tín đồ Hồi giáo. 
  • Màu trắng: tượng trưng cho các tôn giáo thiểu số. Đồng thời, màu xanh lá và trắng là biểu tượng của nền hòa bình và thành công kinh tế. 
  • Trăng liềm: thể hiện sự tiến bộ.
  • Sao: dấu hiệu của ánh sáng và tri thức.

ẤN ĐỘ

Tổng quan: Quốc kỳ của Ấn Độ được thông qua như hình dạng hiện tại trong cuộc họp của Hội đồng Lập pháp vào ngày 22/7/1947 và trở thành quốc kỳ chính thức của Ấn Độ vào ngày 15/8/1947, Ngày Độc lập của Ấn Độ. Với tên gọi là Tiranga (nghĩa là tam tài hay tam sắc) dựa trên lá cờ Swaraj, cờ hiệu của Đảng Quốc Đại Ấn Độ do Pingali Venkayya thiết kế. Là cờ bao gồm 3 sọc ngang lần lượt có màu vàng nghệ, trắng và xanh lá với Ashoka Chakra (một thiết kế bánh xe 24 nan hoa) màu lam nằm tại trung tâm. 

Ý nghĩa: 

  • Màu vàng nghệ: biểu tượng cho lòng can đảm, dũng khí và sự hy sinh. 
  • Màu trắng: tượng trưng cho lòng chân thật, sự thanh khiết và hòa bình. 
  • Màu xanh lá: biểu trưng cho niềm tin và tinh thần thượng võ. 
  • Ashoka Chakra: còn gọi là dharmachakra hay bánh xe đức hạnh, với 24 nan hoa tượng trưng cho Dharma – triết lý sống của nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Kỳ Na giáo. Bánh xe cũng biểu thị sự chuyển động và phát triển không ngừng như lời nhắc nhở Ấn Độ không ngừng vận động, thay đổi và phát triển.

(Nguồn Punditcafe, Wikipedia)

Có thể bạn quan tâm:

Chủ đề chính: #quốc_kỳ

Bình luận về bài viết này
4 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn